Lợi ích của bể cá thủy sinh đối với ngôi nhà của bạn
Bể cá thủy sinh chiếm một diện tích rất khiếm tốn trong căn phòng nhưng lợi ích mà nó mang đến lại vô cùng to lớn. Một bể cá thủy sinh được bố trí hợp lí sẽ làm cho không gian nhà bạn trở nên đẹp hơn, lịch sự hơn. Bên cạnh đó, vị trí đặt bể cũng linh động nên nó cũng là phụ kiện làm đẹp nhà tiện dụng. Bạn có thể sử dụng nó như tấm bình phong đặc sắc để ngăn phòng, ngăn diện tích sử dụng. Hoặc bạn có thể treo tường để tạo thành 1 bức tranh màu sắc sinh động tạo điểm nhấn trong căn phòng.
Bên cạnh lợi ích về thẩm mỹ, bể cá thủy sinh còn có lợi ích về sức khỏe mà đã được khoa học chứng minh. Bể cá thủy sinh mang nước, một trong năm sức mạnh thiên nhiên của trái đất, tạo ra sự hài hòa mang đến sự mát mẻ, tĩnh lặng, giúp tinh thần bạn cảm thấy thoải mái dễ chịu, nhất là trong mùa hè nóng bức. Ngoài ra đối với Phật giáo, cá được tin là mang lại sự may mắn, thịnh vượng...
Với lợi ích kể trên, chắc hẳn bạn đã nóng lòng muốn biết làm sao để có 1 bể cá thủy sinh trong ngôi nhà của mình?
Làm sao để có một bế cá thủy sinh “hoàn hảo”?
Anh Ngọc Thắng, chủ một cửa hàng bán bể cá trên phố Hàng Than, Hà Nội cho biết: “Điều đầu tiên, bạn cần phải quan tâm là bể cá. Bế cá thì có 2 loại của Việt Nam và Trung Quốc, chất liệu thì như nhau nhưng mẫu mã của Trung Quốc đẹp, bắt mắt hơn. Kích thước bể cá phụ thuộc vào kích thước căn phòng, phòng to thì đặt bể to, phòng nhỏ thì đặt bể nhỏ. Giá thành của bể cá được tính theo m2 trung bình khoảng hơn 3 triệu/1m hoàn thiện có cả cá, cây thủy sinh và các phụ kiện. Nếu khách hàng muốn mua nguyên bể kính thì cửa hàng đều đáp ứng, với giá giảm khoảng 1 triệu đồng với bể có chiều dài từ 1 m trở lên.”
Bể cá thủy sinh đa dạng về mẫu mã, kích thước cho bạn lựa chọn.
Khi có bể, bạn cần phải trải một lớp phân bón, cát sỏi làm nền dưới đáy hồ. Nền là nơi chứa dưỡng chất cung cấp cho cây, cũng là nơi để trồng cây nên cần có cấu tạo sao cho cây có thể bám rễ, là chỗ ở của vi sinh và không gây đục nước. Tiếp đó, bạn dùng túi nylon ngăn vòi nước để không làm đục nước, dòng chảy sẽ không làm hư lớp sỏi nền.
Bạn cần phải tạo lớp nền với phân bón, cát sỏi, đá để cây có thể bám rễ.
Anh Ngọc Thắng cũng cho biết: “Hiện ở Hà Nội, bạn có thể tự tìm hiểu,thiết kế một bể cá cảnh thủy sinh thông qua những làng nghề chuyên doanh như: Nghi Tàm, các khu chợ chuyên doanh như chợ Mơ, chợ Bưởi, tuyến phố Hàng Đậu... Đối với cá thì có nhiều loại, tùy loại cá mà có giá thành khác nhau. Bình dân như cá Vàng, cá Sắc khoảng 15 nghìn -30 nghìn/1 đôi. Cao cấp hơn thì có cá Tên Lửa, cá Phát Tài khoảng 400 nghìn/1 đôi, đại gia thì chơi cá Rồng thì tính bằng tiền triệu tùy vào to hay nhỏ.”
Cá, theo tín ngưỡng châu Á, là con vật được tin là mang lại may mắn và thịnh vượng.
Các vật dụng không thể thiếu khi chơi cá cảnh là thiết bị lọc, gắn đèn, bình CO2. Những vật trang trí cho bể như sỏi, đá, những loại thủy sinh hay những tiểu cảnh được sắp xếp theo sở thích, ý tưởng của từng người chơi.
Lọc, đèn, bình Co2 tạo môi trường tốt nhất cho cá và các loài thủy sinh sinh trưởng
Cây thủy sinh trong bể cá tạo cho người chơi, người ngắm có cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, bạn nên chú ý tuỳ vào từng vào đặc điểm của từng loại cây mà ta bài trí ở các vị trí khác nhau trong bể. Ví dụ cây rong Mái chèo và rau Mác là các loại cây rất lý tưởng để trồng để che phía sau và các cạnh của bể. Còn các cây rậm rạp dùng để trồng đầy ở các góc (trước các cây cao hơn) như rau Dừa, Đình lịch, rau Cần trôi. Lại có những cây nên trồng ở mặt tiền trông rất thú vị nếu chúng được đặt trước mảnh đá, phải là cây thấp hơn và sinh trưởng chậm hơn, ta có thể chọn cỏ Năng và Thạch xương bồ.
Bạn cần phải tìm hiểu đặc điểm các cây thủy sinh trước khi muốn bài trí chúng trong bể.
Khi trồng cây, vật không thể thiếu là một cái kẹp dùng trong y tế (loại lớn, dài trên 30cm) dùng để kẹp phần rễ cây và trồng xuống sỏi. Trong môi trường nước, lớp sỏi trở nên nhẹ và rời rạc,không thể dùng tay được. Thông thường phải sau 7 -10 ngày khi hệ sinh vật ổn định thì bạn mới nên thả cá vào. Khoảng 1 tuần hoặc nửa tháng thì thay nước một lần, nên lưu ý mỗi lần chỉ thay 1/3 hoặc 1/2 bể. Việc thay nước thường xuyên sẽ đảm bảo môi trường nước luôn sạch sẽ. Điều này rất cần thiết cho sự phát triển khoẻ mạnh của các loại cây thuỷ sinh và cá sống.