Lấy nhau 3 năm mà chưa có con, chị Nguyệt nhiều khi sống dở chết dở vì chạy chữa, thuốc men. Vượt qua bao nhọc nhằn, cuối cùng chị Nguyệt cũng mang thai. Tưởng chừng, chuỗi bi kịch chấm dứt ở đó nhưng hóa ra, sau khi bé Bí chào đời, bi kịch thực sự mới xuất hiện. Chỉ vì việc đặt tên cho con mà gia đình náo loạn.
Đầu tiên, chị muốn đặt tên cho con là Minh Nguyệt nhưng bị phản đối vì trùng tên cụ. Rồi bé Bí được rất nhiều “tên ngó” khác như Ngọc Thủy, Thanh Tú, Minh Huyền,… Hết lý do này tới lý do khác, tất cả những cái tên này nhanh chóng bị gạch. Quá bực mình, chị Nguyệt ghi vào tờ giấy khai sinh cho con là Vô Danh. Nhưng tất nhiên, phường trả lại và khuyên chị không nên dùng tên này cho con.
|
Một cái tên phù hợp khiến cho con người tự tin hơn là điều có thật, song, một cái tên đôi khi gây phiền phức cho người mang tên và cho cả người khác cũng là điều đã và đang tồn tại |
Còn chị Ngọc lại chủ động đặt tên trái khoáy cho con. Chuyện gì cũng có sự tình của nó. Chị Ngọc sống chung với bố mẹ chồng, những người lúc nào cũng tỏ ra lễ nghĩa, chu đáo và nhân đức. Tuy nhiên, càng sống lâu, các đấng bề trên lại càng thể hiện sự thật ngược lại. Quá bất bình với bố mẹ chồng, chị Ngọc “chơi xỏ” bằng cách đặt tên con. Cậu con trai đầu lòng mang cái tên khá đẹp Minh Đức. Cậu bé thứ hai tự dưng đeo cái tên “nhà quê” Nguyễn Văn Thất. Tên nhà quê nhưng cũng không đến nỗi nào. Tuy nhiên, nếu đem ghép tên hai cậu bé với nhau, mọi người mới ngã ngửa “THẤT ĐỨC”. Thất đức là điều chị Ngọc muốn ám chỉ bố mẹ chồng.
Gia đình anh Nghĩa cũng náo loạn vì cách đặt tên con. Vì khi sinh con vợ anh bị băng huyết nên qua đời. Quá nhớ thương vợ, anh đặt tên con là Trang. Tên hai bố con ghép lại là Nghĩa Trang, ám chỉ nơi vợ anh đang “sinh sống”. Dù bị gia đình phản đối kịch liệt nhưng anh Nghĩa vẫn bảo vệ quan điểm của mình đến cùng.
Lý do đơn giản hơn nhưng anh An cũng khiến mọi người xung quanh phì cười vì cách đặt tên. Là trưởng họ nên anh An vô cùng mong mỏi một thằng cu nối dõi tông đường. Nhưng sau 2 lần sinh nở, chị Duyên vợ anh lại “sản xuất” tới 2 “vịt giời”. Cố vượt rào để kiếm người chống gậy, cuối cùng, chị Duyên lại “sản xuất” thêm “thằng cu đái ngồi” nữa. Vốn tính hài ước nên dù trong hoàn cảnh chán nản, thất vọng nhưng anh An vẫn khiến thiên hạ cười té ghế. Anh đặt tên cho cô con gái út là Nguyễn Y Vân (tức là vẫn y nguyên).
Cái tên Thu Huyền khá phổ biến nhưng có lẽ không ai để ý tới sự đặc biệt của nó trừ chị Tĩnh. Lấy phải anh chồng chỉ giỏi ăn tục, nói phét, chị Tĩnh buồn nhưng vẫn cố gắng chăm sóc gia đình chu đáo. Ấy vậy mà chồng chị không những không tỉnh ngộ mà còn bồ bịch, thậm chí lấy tiền của chị mang đi bao gái. Quyết định ly dị với chồng dù đang mang trong mình giọt máu thứ hai của ông chồng vô tình vô nghĩa, chị Tĩnh đâm ra hận đời. Sau khi sinh con, chị cân nhắc mãi rồi quyết định đặt tên con là Thu Huyền (thu huyền THÙ). Chị hy vọng đứa con này sẽ nhắc nhở chị về mối thù với người đàn ông chẳng ra gì.
Một cái tên phù hợp khiến cho con người tự tin hơn là điều có thật, song, một cái tên đôi khi gây phiền phức cho người mang tên và cho cả người khác cũng là điều đã và đang tồn tại. Vì vậy bố mẹ đừng quá dễ dãi trong việc đặt tên con hoặc chỉ vì những chuyện không hay của bản thân mà trút giận lên tên con vì cái tên sẽ theo bé suốt cả cuộc đời.