Là người phương Đông, chúng ta nên ứng dụng những triết lý phương Đông vào trong kinh doanh”, lời của TS. Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức, phát biểu tại hội thảo CEO thời hội nhập được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM.
|
TS. Lê Chí Hiếu đang chia sẻ với các CEO một quan niệm mới về quản trị DN tại Hội thảo"CEO thời hội nhập". Ảnh: Châu Bội |
Trong khi các CEO bàn nhiều đến các giải pháp đặc thù kinh tế: cắt giảm chi tiêu, tìm cách tiếp cận nguồn vốn, cải tiến sản xuất v.v… để giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua những khó khăn của DN, CEO Lê Chí Hiếu gợi mở cho DN theo một hướng mới là vận dụng triết lý âm dương ngũ hành để hóa giải những khó khăn của DN.
Ông Hiếu luận giải: Công việc kinh doanh cũng giống như các quy trình khác trong cuộc sống, là tổng hòa các mối quan hệ âm dương (trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Dương tiêu thì Âm trưởng, Âm tiêu thì Dương trưởng. Không có Dương thì không thể có Âm. Không có Âm thì Dương không thể tồn tại) và triết lý ngũ hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ).
Ông Hiếu giả định rằng, trong việc quản trị kinh doanh, yếu tố trung tâm là Thổ tức là bao gồm các nguồn lực như đất đai, văn phòng, nguyên vật liệu, nhân lực, vốn liếng. Một khi DN quản lý tất các nguồn lực tốt và hiệu quả, tức là Thổ sẽ sinh Kim, làm ra được nhiều sản phẩm tốt, có chất lượng, có giá trị. Nhưng Kim có tính cứng rắn và thụ động, chỉ để sản phẩm nằm đó mà nhìn thì không ổn. Do đó, DN cần phải tìm cách chuyển hóa Kim thành Thủy, tức là phải tổ chức tốt việc tiêu thụ, bán hàng, từ đó biến sản phẩm vật chất thành doanh thu, thành tiền, thành cash flow (lưu thông tiền mặt), linh hoạt cung cấp nguồn vốn tiếp tục mua nguyên vật liệu, trả lương, quay vòng sản xuất. Từ đó cũng sinh ra lợi nhuận, có thặng dư để mở rộng sản xuất, đầu tư thêm sản phẩm mới, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Nếu làm được như vậy, có nghĩa là Thủy lại tiếp tục sinh ra Mộc, tượng trưng cho sự phát triển và tăng trưởng.
Nhưng DN muốn phát triển hơn nữa, thì phải biết cách xây dựng văn hóa công ty, xây dựng thương hiệu. Văn hóa công ty tốt, trong sạch, minh bạch, quản lý chất lượng sản phẩm chu đáo, sẽ tạo ra sự đoàn kết nội bộ và uy tín vang xa. Kết hợp với chính sách PR, quan hệ công chúng, trách nhiệm xã hội sẽ làm cho thương hiệu ngày càng nổi tiếng, được khách hàng yêu mến. Lúc này, Mộc lại sinh ra Hỏa, tạo nên nhiệt năng, động lực tinh thần để công ty phát triển. Hỏa sẽ tiếp tục sinh Thổ, DN được khách hàng ủng hộ, xã hội trân trọng sẽ có thêm điều kiện để mở mang cơ sở, đất đai, tuyển thêm nhân lực, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư. Chu kỳ tương sinh cứ thế liên tục vận hành.
Tuy nhiên, TS. Hiếu cho rằng nhiều DN vì không biết cách tiết chế khi phát triển hoặc ngược lại để xảy ra tình trạng ứ đọng trì trệ trong quá trình sản xuất kinh doanh nên nhiều DN đã thất bại.
“Mối quan hệ của ngũ hành tốt nhất là đạt đến trạng thái cân bằng, trung hòa. Quá vượng hay quá suy đều không tốt”, TS. Hiếu nói.
TS dẫn giải thông qua ví dụ. Chẳng hạn, nếu DN để Thủy sinh Mộc nhưng nếu để Mộc quá vượng thì Thủy sẽ bị vắt kiệt. Nếu DN quá say men chiến thắng mà đầu tư phát triển quá nhiều đôi khi làm cho dòng vốn không theo kịp, dẫn đến mất cân đối ngân lưu, phải đi vay nợ làm tăng chi phí, nguồn nhân lực cũng không đủ đáp ứng. Lúc này đây, ngoài việc làm suy yếu Thủy, Mộc quá vượng cũng khiến Mộc khắc Thổ nặng nề hơn, hút cạn năng lượng của DN.
Một ví dụ khác, nếu DN chỉ chú trọng vào sản xuất mà không chú ý đến khâu tổ chức tiêu thụ thì Kim sẽ vượng trong khi Thủy bị suy. Thổ sinh Kim, nhưng khi Kim quá mạnh sẽ hút hết năng lượng của Thổ làm cho Thổ bị tiêu hao dần. Sản xuất mà không tiêu thụ được cũng sẽ dần dần hút cạn nguồn lực của DN.
TS Hiếu giải thích thêm để các CEO hiểu được rõ hơn. Ông phân tích: Nếu Dương Thổ sinh Dương Kim, là sinh hữu tình, thì còn đỡ vì nguồn lực đang tăng trưởng mạnh nên có tiêu hao một phần cũng chưa đến nỗi nguy cấp. Nhưng nếu Âm Thổ sinh Dương Kim thì DN có thể gặp rắc rối to, vì đó là sinh vô tình, tức là nguồn lực đang bị giảm sút mà còn bị hao hụt nhanh. Kim khắc Mộc, cho nên Kim mà quá vượng thì đương nhiên Mộc sẽ càng thê thảm, nghĩa là công ty khó mà phát triển được nếu không muốn nói là có nguy cơ phá sản v.v….
Và ông Hiếu nói thêm rằng năm 2011 là một năm mà yếu tố Kim quá vượng nên yếu tố Thủy đang bị vắt kiệt. Do đó, DN cần khẩn thiết tìm cách để huy động các nguồn lực của yếu tố Thủy được nâng lên cân bằng, hài hòa, đối trọng với yếu tố Kim thì mới mong tình hình kinh doanh của DN mới được cải thiện.
Những luận giải của TS. Hiếu cho thấy rằng, dù vận dụng theo các tiếp cận phương Đông hay phương Tây, chung quy cuối cùng cũng là tìm được phương pháp tổ chức sản xuất kinh doanh, công ty hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, ông Hiếu gợi ý các chủ DN nên tìm cách để ứng dụng những triết lý của phương Đông như triết lý Kinh dịch, đạo đức Kinh của Lão Tử, âm dương ngũ hành… vào kinh doanh nhiều hơn nữa bởi những nguyên lý này rất gần với những triết lý của hoạt động kinh doanh.
TS. Hiếu kết luận: “Rõ ràng, đây là điều không dễ thực hiện nhưng nếu cảm nhận và thấu hiểu được nó, bạn có thể giữ được sự cân bằng trong quá trình vận động liên tục của DN để duy trì sự tái cân bằng thường xuyên, giúp mọi yếu tố vận hành thông sốt, đưa DN tiến lên không ngừng”.