Ngày nay, khi mà nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, mỗi một ai khi có khả năng điều cố gắng tạo cho mình một cuộc sống tốt nhất. Không gian nội thật chính là sự tiêu biểu cho một ngôi nhà đẹp đúng nghĩa.
1. Sự hòa hợp
Ấn tượng nhất là không gian phòng khách được thiết kế vuông vắn với những khung cửa sổ cao và rộng chạy suốt hai mặt bên của căn nhà.
Bàn khách lớn làm từ cây công nghiệp được design vuông vức với hoạ tiết bằng aluminium hiện đại và hoà nhập với không gian kiến trúc. Cảm giác biệt lập của mỗi người khi ngồi tại các góc trong phòng này có được là do các khoang trống rộng rãi tại đây.
Phòng khách được phân chia bằng một khung gỗ đen – vàng với một chút hoạ tiết vuông có cảm hứng từ một khung tranh sơn mài (nét văn hoá thuần Việt), nối liền mà vẫn phân chia giữa bàn khách và bàn nước. Phần chính của phòng khách tách rời khỏi “không gian phụ” nơi thoải mái đọc sách bằng những giá bày làm bằng gỗ tự nhiên để mộc, một góc bếp trắng tinh cùng bàn ăn nằm biệt lập tại góc đông nam. Một không gian rất thoáng mà vẫn rất nhiều chức năng liền kề.Tầng trệt với không gian được phân chia tương đối bằng một khung gỗ lớn, bên trái là bếp với đá mây trắng, tủ bếp trắng. Ánh sáng từ các khung kính lớn qua hàng hiên và vườn đem lại ánh sáng dịu vừa đủ.
2. Màu sắc, ánh sáng và... tối giản trong vật liệu
Tỷ lệ được tính toán khéo, ánh sáng tràn vào nhà khá êm dịu và vẫn dư độ sáng, không bị gắt và nóng… toàn bộ căn nhà sử dụng tông trắng ngà, từ màu sơn tường, đá hoa, cho đến bếp, tủ bếp và các thiết bị bếp. Tất nhiên, ở đây màu trắng không phải là màu tượng trưng cho phong cách tối giản, điều đáng nói ở đây là căn nhà được bài trí với rất ít màu. Nhu cầu thiết kế tối giản ở đây xuất phát từ tư duy sống và làm việc của hai vợ chồng, vợ làm trong lĩnh vực quảng cáo, chồng là luật sư kinh tế.
Công việc của hai vợ chồng rất nhiều áp lực và bận rộn, họ muốn có một không gian sống thực sự thảnh thơi và giảm thiểu sự rối rắm. Việc lựa chọn phong cách này cũng là lựa chọn mang tính xu hướng của nhiều cặp tri thức trẻ Việt Nam hiện nay.
Đã có rất nhiều bài viết phản ánh xu hướng trên thông qua nội thất, kiến trúc của biệt thự, nhà phố, nhà ống, nhà vườn, nhà ngoại ô… với các hình thức biểu hiện phong phú... nhưng có thể nói số lượng các công trình đạt đến độ tối giản thực sự là không nhiều. Một không gian sống tối giản không chỉ về hình thức thể hiện, thông qua cách phân chia không gian, màu sắc, ánh sáng, cách chọn lựa vật liệu nội thất…mà còn phải xuất phát từ tư duy sống của chính chủ nhân đó. Tối giản không có nghĩa là sơ sài. Có không ít những không gian nội thất tối giản có chi phí thực hiện cao và kỹ càng để đạt được mục đích tối giản sang trọng. Sự sang trọng trong sự tối giản chính là ở vật liệu, kết cấu đòi hỏi kỹ thuật cao và đặc biệt là không gian để sử dụng vật liệu.
Bếp dùng một tông trắng với hệ thống tủ âm tường công năng tốt và hợp với phong cách chung của nội thất.
“Less is more” không gian tối giản sang trọng của cặp vợ chồng trẻ này chính là sự thoáng đạt bởi cách bài trí vật dụng nội thất với những khoảng giãn hào phóng, những khoảng trống tôn vinh vẻ đẹp của những món đồ nội thất, và đặc biệt đem lại cảm giác thư thái, nghỉ ngơi của những người sống trong đó. Chị Giang - chủ nhân căn nhà là người Việt hiểu về văn hoá Việt, theo chị, ngoài mặt tích cực là dễ chấp nhận sự giao thoa từ các nền văn hoá khác thì mặt hạn chế ảnh hưởng tới tư duy trong cuộc sống, chính là cách nghĩ lặt vặt của người mình có nguồn gốc từ văn hoá lúa nước. Cho nên việc chấp nhận một không gian sống tối giản là không dễ. Đã có không ít gia chủ không biết giải thích sao khi bạn bè, họ hàng thăm căn nhà mới với những câu hỏi đại loại như “sao nhà đắt tiền mà sơ sài thế?” rồi “ít đồ đạc quá!” hoặc “chẳng thấy giàu sang gì cả”…
Không gian sống, suy cho cùng sẽ phục vụ cuộc sống của chính chủ nhân của không gian đó, cao hơn, nó còn thể hiện tính cách, tư duy của người sống trong đó, “nhìn vật đoán người” là vậy. Và tối giản cần được hiểu đích thực qua cách tận dụng ánh sáng, đưa ánh sáng vào các không gian chức năng cho khéo, vì cũng có nghĩa là góp phần tiết kiệm điện năng, giảm nhiệt năng với khí hậu nhiệt đới. Căn nhà của vợ chồng chị Giang dùng ít đèn và ít bật đèn. Vào ban ngày, ánh sáng qua các khung kính lớn cung cấp đầy đủ sáng cho sinh hoạt, cách bố trí thông giữa các phòng càng giúp cho không gian thoáng mát. Căn nhà dùng rất kiệm năng lượng, hoàn toàn phù hợp với tiêu chí sống xanh của thời đại