Tôi đang ở nhà cấp 4 thuê tạm một thời gian, trong phòng không có bếp, phải xài chung bếp với mấy phòng khác thì có bị sai về phong thuỷ không và có cần bố trí bếp trong phòng theo tuổi gia chủ không ?” (Lâm Minh Văn, đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình)
Có thể thấy ngôi nhà Việt Nam từ xưa dù chỉ là nhà tranh vách đất cũng luôn được cha ông ta chú trọng bài trí, sắp xếp theo các nguyên tắc phong thuỷ và văn hoá truyền thống. “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”, dù chỉ trong bữa cơm cũng phải trông trước trông sau, huống chi là cả ngôi nhà tuy chỉ ở tạm thời cũng nên quan tâm đến sắp xếp chu đáo. Nhiều ngôi nhà có thể thuộc dạng “cấp thấp” về tiêu chuẩn xây dựng, nhưng không nên vì thế mà thiếu chú ý bài trí hài hoà phong thuỷ. Ngoài những lưu tâm như mọi nhà khác về hướng cửa – hướng sinh hoạt chủ nhân, thì bếp nấu là một thành phần không thể thiếu trong bộ ba cơ bản môn – táo – chủ. Thiếu bếp, dù là một bếp rất nhỏ, nhà cũng chỉ coi như một phòng. Vì vậy, cho dù diện tích nhà bạn ở có chật hẹp, thiết nghĩ một góc để nấu ăn không phải là quá khó nếu muốn sắp xếp. Các căn hộ loại nhỏ, căn hộ studio trên thế giới đã làm chỉ khoảng 35m2 vẫn có một góc bếp gọn gàng xinh xắn, tiện dụng.
Dĩ nhiên, do là nhà nhỏ nên có những đặc trưng khác cần chú ý. Cửa mở vào cần tránh tầm nhìn xuyên thấu toàn nhà, nhất là khu bếp núc – vệ sinh dù nhỏ lại càng cần phải gọn ghẽ mà vẫn kín đáo, ví dụ dùng vách nhẹ hoặc rèm để dễ điều chỉnh. Bếp trong nhà nhỏ có thể chỉ là bàn đặt bếp gas hoặc lò vi sóng, bồn rửa kết hợp với lavabo rửa mặt, còn tủ lạnh thì nên chọn loại nhỏ kết hợp với một số kệ treo tường để đồ đa năng.
Đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp
Năm tới tôi sẽ làm nhà và hiện nay chuẩn bị thiết kế chi tiết. Tôi nghe nói “đàn ông cái nhà - đàn bà cái bếp” nên đang phân vân không biết là tính sắp xếp hướng bếp theo tuổi của chồng hay tuổi của vợ. Mặt khác, tôi tính đặt tủ kệ bếp trong nhà nhưng chủ yếu đun nấu ở một bếp khác ngoài sân phía sau cho thoáng thì có ảnh hưởng gì về phong thuỷ chăng? (Tạ Thanh Minh, đường 23, khu dân cư Sông Giồng, quận 2, TP.HCM)
|
Trong Dịch lý phương Đông có quy ước phong thuỷ xem nhà ở là phần dương trạch, tương ứng với đàn ông thuộc dương, để làm cơ sở tính tuổi, vị trí, phương hướng cho các thành phần cửa, bếp, bàn thờ… của ngôi nhà. Điều này nghe qua có vẻ như “trọng nam khinh nữ” nhưng thực ra đó là đặc trưng rất hợp lý của văn hoá Việt Nam xưa nay: thống nhất tính tuổi cho một người chủ mang tính quy ước chứ không chia ra phức tạp. Việc tính hướng nhà hướng bếp theo tuổi người đàn ông trụ cột trong gia đình (nhưng không vượt qua lục thập, tức là ngoài 60 tuổi thì coi như… nghỉ ngơi hưu trí, để cho con cháu lo liệu làm nhà) cũng là hợp lý về tôn ti trật tự và sự phát triển của gia đình.
Còn câu “đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp” mà ta hay nghe nói là nhắc nhở về phân công lao động và vai trò của từng giới trong sinh hoạt gia đình, chứ không phải tính tuổi của mẹ, của vợ… như một số người hay nghĩ, hay ai đứng nấu bếp thì tính toán hướng bếp theo người đó. Vì nếu thế thì một số nhà có lẽ phải tính tuổi của… người giúp việc luôn chăng?
Dĩ nhiên, khi gặp trường hợp nhà toàn là nữ giới thì mới tính tuổi phong thuỷ làm nhà theo tuổi người phụ nữ nào quyết định sự tồn tại của gia đình và là người sẽ cư ngụ lâu dài hơn cả trong ngôi nhà đó. Nếu ngoài 60 tuổi, hoặc tuổi còn quá nhỏ, hoặc người nữ sẽ xuất giá lấy chồng đi chỗ khác, không ở lâu trong nhà thì không tính.
Việc bạn đun nấu chủ yếu ở sân sau cho thoáng đồng nghĩa với việc bếp đặt trong nhà chỉ như “làm kiểu”, hoặc là dạng bếp gọn theo kiểu phương Tây về cơ bản không ảnh hưởng phong thuỷ. Nhưng tốt hơn cả là bạn nên đặt các không gian bếp trong và ngoài kề cận nhau theo một vùng nhất định trên mặt bằng của nhà để tránh đi lại nhiều, và sẽ trùng với phương vị đặt bếp, đồng thời nếu có thể nên xoay hai bếp cùng hướng với nhau. Ví dụ bếp trong nhà làm đơn giản, kế bên là cửa mở ra sân sau, tại sân sau này gia chủ đặt bếp đun nấu chủ yếu, và cũng xoay miệng bếp theo hướng của bếp trong nhà.