Theo quan điểm người xưa, mỗi một năm biểu tượng bởi một linh vật. Ví dụ, năm 2013 biểu tượng con rắn, năm 2014 là năm con ngựa. Trong phong thủy, con rắn được coi là thái tuế của năm tỵ, con ngựa là thái tuế của năm 2014. Hằng năm, các địa chi cứ lần lượt thay đổi luân chuyển chu kỳ 12 năm, vì vậy dân gian xây dựng hình ảnh các ông vua thay nhau quản một năm gọi là thái tuế của năm đó.
|
Ảnh minh họa. |
Trên địa bàn phong thủy cũng vậy, cũng có những cung, những phương vị tương ứng với thái tuế của năm đó và được ví như ngôi nhà của nhà vua nên cũng bất khả xâm phạm, xâm phạm sẽ gặp những xui xẻo. Ví dụ, năm thìn 2012, thái tuế ở cung thìn đông nam; vào năm thân 2016, thái tuế đóng ở cung thân hướng Tây Nam. Những ngôi nhà nằm hướng này được khuyên là không nên kích động hay xây sửa.
Theo cách giải thích khoa học, thái tuế có quan hệ với chuyển động của sao Mộc và ảnh hưởng của nó tới trường khí của mỗi con giáp. Từ xa xưa, sao Mộc đã được các nhà chiêm tinh nghiên cứu và gọi là tuế tinh. Do chu kỳ của tuế tinh là gần 12 năm nên người ta đã lấy tên 12 con giáp đặt cho 12 cung của tuế tinh. Tuế tinh rơi vào cung nào thì năm của con giáp đó bị ảnh hưởng mạnh của trường khí này. Vậy nên, khi làm nhà đúng hướng thái tuế thì năng lượng ngôi nhà đó bị kích hoạt rất lớn. Nếu như gia chủ không hợp hướng với ngôi nhà đó nữa thì càng phát sinh tai họa.
Do vậy, với những ngôi nhà phạm phải hướng thái tuế trong năm, người xưa thường khuyên không nên động chạm. Tuy nhiên ngày nay, khi hiểu hết vấn đề thái tuế ta thấy rằng những ngôi nhà bị thái tuế nhưng được tính là hướng tốt với chúng ta thì vẫn có thể động thổ bình thường, thậm chí còn biến hung thành cát.