Do gia chủ “đi xem thầy” khi thiết kế đã gần hoàn chỉnh nên mới có sự xáo trộn, chứ nếu chỉ cần xem các thông số phong thuỷ (dù có nguồn từ đâu chăng nữa) là một phần trong nhiệm vụ thiết kế đưa ra từ đầu thì chắc chắn sẽ thuận lợi hơn cho kiến trúc sư, không phải mất công xáo trộn thiết kế. Ở đây có hai vấn đề cần làm rõ: a/ Việc thiết kế nhà hợp phong thuỷ không đơn thuần là có mấy gạch đầu dòng, mà phải qua đủ các bước khảo sát, phân tích, định vị sắp xếp đầy đủ và chi tiết. b/ Thực hư vai trò phong thuỷ với gia chủ và ngôi nhà sẽ xây cần hiểu thế nào cho đúng và đủ?
Có thể thấy rằng thông tin từ các thầy địa lý hoặc sách vở, tài liệu trên mạng đều không thể trực tiếp cụ thể bằng gia chủ và nhà chuyên môn khi khảo sát ngôi nhà, khu đất xây dựng. Thậm chí cho dù khu đất có hợp hướng, nằm trong khu quy hoạch trống trải hoàn toàn thì vẫn phải phân tích thật kỹ hiện trạng mà phong thuỷ gọi là bước khảo sát hình thế.
Mỗi ngôi nhà đều có hai phần song hành cùng tồn tại và phát triển là hình và thế. Hình là cận cảnh, thế là viễn cảnh, không nên tách rời. Hình có thể tạo được trong khi thế thì khó hơn hoặc phải trải qua một thời gian (ví dụ địa hình, mương rạch có thể san lấp phần nào nhưng thế núi, thế sông, thế đường sá… thì phải tuân theo thực tế sẵn có). Thế tốt xấu theo thời gian được biến đổi nhưng là yếu tố khách quan, chủ nhà ít tác động vào được.
Khảo sát cụ thể và đánh giá đúng tốt xấu của khu đất rồi thì phải xem gia chủ cụ thể có các đặc điểm thế nào nhằm có bố trí phù hợp. Phong thuỷ dân gian truyền lại kinh nghiệm nhất mệnh – nhì vận – tam trạch – tứ đức – ngũ vi, trong đó trạch (chọn lựa nhà đất, thời điểm xây dựng) đứng hàng thứ ba. Các yếu tố khác như mệnh và vận liên quan đến bản thân của người chủ (sức khoẻ, tài chính, gia cảnh) tránh tình trạng làm nhà “cố quá thành ra… quá cố” như một vài trường hợp không biết tự lượng sức mình trước khi chọn đất cất nhà. Ví dụ chọn quy mô xây nhà không tương xứng với nhân khẩu khiến nhà quá rộng, trống trải, tâm lý bất an, dọn dẹp mệt nhọc… gây các hệ quả xấu. Ta có thể thấy nếp nhà truyền thống luôn dành phần thiên nhiên nhiều hơn diện tích ở là để gia tăng sự ấm cúng. Cả những yếu tố về đức (đạo đức, tính cách bản thân) và vi (hành vi, ứng xử) cũng góp phần không nhỏ đến trường khí của ngôi nhà mà nhiều khi giải pháp phong thuỷ cũng đành bó tay. Ví dụ, một ngôi nhà xa hoa lộng lẫy nhưng sống tách biệt, không quan hệ với hàng xóm láng giềng thì không thể có được sự tương hỗ về cộng đồng và gắn kết với trường khí toàn vùng.
Như vậy trước khi đi vào các chi tiết cụ thể, cần đánh giá trước tiên và toàn diện yếu tố con người, bản thân gia chủ và các thành viên đã và sẽ cư ngụ trong ngôi nhà ấy để từ đó quyết định quy mô, chức năng, tính chất, thời gian, đặc điểm xây dựng, thậm chí chỉ là một vài chi tiết nhỏ như góc thư giãn, điểm nhìn. Nhà chuyên môn có thể sẽ “phỏng vấn” gia chủ để nắm thêm về gia cảnh từ đó cùng với gia chủ quyết định hình thức không gian nào cho ngôi nhà tuơng lai.
Tóm lại, gia chủ cần xác định rằng những chỉ định phong thuỷ cơ bản kiểu như hướng bếp, vị trí bàn thờ, kích thước cửa… chỉ là xử lý về mặt chi tiết kỹ thuật. Vấn đề cốt lõi của thiết kế hài hoà phong thuỷ nằm ở phạm vi rộng hơn, đi từ bên ngoài vào nội thất, lấy con người (gia đình gia chủ) làm trung tâm, không nhà nào giống nhà nào mà phải căn cứ từng tình huống cụ thể để thiết kế được phù hợp, hài hoà nhất trong điều kiện cho phép.
|
|