Thú chơi mãnh thú này có từ thời thượng cổ. Chỉ để các "ngài" trông giữ cửa đền miếu, đình, chùa, cửa công quyền, nhà quyền qúy hù doạ người qua đường, con nít, kẻ bất lương yếu bóng vía. Chứ đâu được ngồi chễm chệ ở phòng tiếp khách. Chủ khách tâm đầu ý hợp ra về còn dùng dằng đâu cần các "ngài" xua đuổi. Việc này người xưa chưa làm thế bao giờ.
Phòng khách có đặt bộ loa đài, dàn nghe nhạc, ti vi chủ khách ngồi đối ẩm, hàn huyên nhưng tai phải căng ra, mặt nhăn như bị để lắng nghe từng lời hay ý đẹp của nhau trong tiếng nhạc, tivi mở to át cả tiếng thiên hạ, thật vô phúc lại bị nghe một thứ nhạc phẩm ẽo ợt, đập phá ình ình. Phải làm khách trong hoàn cảnh này thật khó quá!
Không ít phòng khách đã thiết kế cầu kì, màu sắc loạn xạ, tứ tung lại gắn lên tường một tấm gương to đến 2-3m² đối diện với chỗ chủ khách đang ngồi. Tấm gương vốn là vật làm duyên nay trở thành công cụ giám sát vào tình thế o ép, đánh mất sự tự nhiên vốn có trong giao tiếp, dồn nén thần kinh. Bị bao quanh không gian trên trần, dưới đất, phải trái toàn là bàn ghế, đèn đóm lập loè, nếu phải tiếp xúc một giờ hoặc hơn thế nữa với những người mẫn cảm, hẳn lúc ra về tâm thần sẽ bất ổn. Điều này thật bất tiện.
Ánh sáng thiên nhiên đủ, không nhất thiết phải nhờ đến công cụ chiếu sáng, đừng nên bật loại đèn có màu xanh xanh, đỏ đỏ quay tít vì có hại cho mắt, cho sức khỏe.