Trang trí bàn thờ đón Tết là cách để con cháu bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên vì thế người Việt Nam luôn có ý thức dọn dẹp, trang hoàng bàn thờ dịp Tết đến, xuân về.
Nét đẹp văn hóa Việt
Thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa của người Việt xưa nay. Thông thường, bàn thờ được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất.
Trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ); ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn dầu (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời ở bên trái và mặt trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên, người Việt thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên.
Đặc trưng của văn hóa nông nghiệp cũng được thể hiện ở trên bàn thờ tổ tiên của người Việt. Thông thường, ở ngay sau bát hương đặt một chiếc Tam sơn trên đó đặt ba cái đài nhỏ đựng ba chén nước trong. Nếu không có đủ như vậy, mỗi lần thắp hương chủ lễ cũng vẫn phải thay ba chén nước mới để tỏ lòng thành kính trắng trong. Phía sau Tam sơn, thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ.
Lễ vật dâng cúng thường bao gồm vài bộ quần áo, giấy tiền vàng mã, một vài cái chung (ly nhỏ, thấp) và một bình trà, đĩa hoa quả lớn đặt ở trung tâm bàn thờ, một bình hoa lớn và một bình rượu ngon. Xung quanh, có bày thêm bánh mứt cho cân đối và đẹp mắt.
Người Việt Nam thường sử dụng hoa cúc, hoa huệ, hoa lay ơn, hoa mai, hoa đào trong cúng gia tiên ngày Tết... Trong đó, cành đào được cắm trên bàn thờ có ý nghĩa trừ tà ma và mọi xấu xa, là lời cầu nguyện và lời chúc phúc đầu xuân.
Bàn thờ đậm nét truyền thống
Cuối năm, người Việt có tập tục tân trang căn nhà của mình, trong đó việc trang trí bàn thờ theo đúng với truyền thống là việc mà gia đình nào cũng mong muốn với suy nghĩ đầu năm đàng hoàng, no đủ thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn.
Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng dứt khoát nhà nào cũng phải bày mâm ngũ quả. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).
Mỗi một miền lại có một quan niệm riêng về ý nghĩa mâm ngũ quả. Người Nam bộ có cách đọc chại âm hay đơn tiết hóa một số từ, ví dụ chỉ tên trái mãng cầu thì gọi đơn tiết hóa là Cầu (mãng cầu: thoả mãn trong sự cầu xin) - Sung (sung: chỉ sự sung túc, sung mãn) - Vừa (đọc chệch âm là dừa: quả dừa) - Đủ (đơn tiết hóa của đu đủ và xài (là cách đọc chệch của âm xoài).
Mâm ngũ quả của miền Bắc thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Trong đó, nải chuối tượng trưng cho bàn tay che chở; bưởi tròn trịa hứa hẹn một năm mới no đủ, may mắn; đào - hồng - quýt đỏ thắm mang lại sự ấm cúng, thành đạt, giàu sang…
Trong khi đó, mâm ngũ quả của người miền Nam hầu như không xuất hiện nải chuối vì sợ “chúi đầu, chúi mũi”, vất vả cả năm. Người ta cũng kỵ trái cam vì sợ phải “cam chịu”. Do đó mâm ngũ quả của miền Nam thường chỉ có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Phía dưới chân đế còn để thêm trái thơm với ý nghĩa “cầu thơm vừa đủ xài”.