Người phương Đông rất coi trọng phong thuỷ, họ cho rằng đó là một sức mạnh thần bí, nhìn không thấy, sờ không được, sức mạnh thần bí này có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh và cuộc sống con người.
Phong thủy là gì?
Thời Trung Quốc cổ, phong thuỷ được gọi là Kham Dư và cho rằng hình thể, hướng gió, dòng chảy xung quanh nhà ở hoặc mồ mả có thể đem hoạ phúc cho người ở hoặc người chôn. Người cổ thường căn cứ vào những yếu tố đó để xem lành - dữ, tốt - xấu và nhân sự.
Thời hiện đại, phong thuỷ được hiểu như một môn khoa học, người ta dùng để xử lý và chọn lựa hoàn cảnh ăn ở, cung thất, chùa chiền, lăng mộ, thôn xóm, thành quách, kinh đô,…. Phong thuỷ và hoàn cảnh ăn ở ảnh hưởng chủ yếu trên 3 mặt. Thứ nhất: Sự lựa chọn địa điểm, tức tìm một địa hình thoả mãn được cả 2 mặt tâm lý và sinh lý. Thứ hai: xử lý về mặt hình thái trong cách bố trí, bao gồm lợi dụng, cải tạo hoàn cảnh thiên nhiên, hướng nhà, vị trí, cao thấp, to nhỏ, cửa ra vào, đường đi, nguồn cấp thoát nước,…. Thứ ba: Trên cơ sở nói trên, thêm vào một dấu hiệu, nhằm tránh cái dữ, mang cái lành đến cho con người.
Như vậy, quan điểm của phong thuỷ chính là an toàn, thoải mái, tiện lợi cho việc cư trú, nó liên quan mật thiết với sở học “dương trạch”.
Ngoài những mặt cao siêu huyền bí thì dương trạch học cũng tuân theo những lý luận giản đơn, đó là những yếu tố cát lợi của địa hình. Nếu coi địa hình bên ngoài nhà ở là gốc, bố trí nội thất bên trong là ngọn thì nhất thiết phải đủ cả 2 yếu tố gốc, ngọn mới có một cái cây hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào cũng có thể chọn lựa được một vị trí cát lợi về địa hình.
Bình phong & nghệ thuật phong thuỷ
Ở Việt Nam, một trong những cách khắc phục, hạn chế tối thiểu những yếu tố xấu, phát huy tối đa những yếu tố tốt về phong thuỷ cho môi trường cảnh quan, không gian sống của con người là dùng bình phong, một vật dụng phong thuỷ đa năng.
Xét về phong thuỷ địa hình xứ Huế thì núi Ngự Bình nằm ngay trước mặt Kinh thành (chỉ cách khoảng 3km) được coi như bức bình phong trời ban bảo vệ kinh thành. Thời Nguyễn còn xây dựng thêm Kỳ Đài ngay trước cổng Ngọ Môn nhằm giữ vai trò như bức bình phong tiền án thứ hai che chắn cho nhà vua.
Bình phong xuất phát từ các yêu cầu trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Trải qua năm tháng, bình phong dần kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật và trở thành một nhân tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống. Kiến trúc Huế là một ví dụ điển hình bởi không nơi nào có nhiều bình phong như ở Huế, đây cũng là nơi còn giữ lại được nhiều kiểu bình phong cổ nhất, không chỉ trong kiến trúc cung đình mà ngay cả ở đền chùa, am miếu, đình làng, nhà thờ họ... dường như nơi nào cũng hiện diện những bức bình phong được trang trí cầu kỳ, tinh xảo mang nhiều ý nghĩa.
Bình phong cổ xứ Huế được thể hiện với đủ loại chất liệu: gỗ, đan mây, vải, bạc, vàng, đá, xây gạch...trong đó phổ biến nhất là loại hình bình phong xây bằng gạch, đá. Đây là loại bình phong có kích thước lớn, đặt ngoài trời, thường được trang trí công phu bằng cách chạm trổ đá, ghép sành sứ với các biểu tượng và mô típ của nghệ thuật truyền thống như phúc, lộc, thọ, hỷ hay các linh vật như long, lân, quy, phụng, long mã,..
Lăng Tự Đức là khu di tích còn bảo tồn được nhiều bức bình phong cổ có chất lượng nghệ thuật cao. Tiêu biểu là chiếc bình phong phía sau Ích Khiêm Các thuộc Khiêm Cung. Đây là một trong những chiếc bình phong trang trí tứ linh hiếm hoi được bảo tồn khá nguyên vẹn. Bình phong được xây gắn với tường thành giới hạn phía sau của Khiêm Cung, hình chữ nhật, kích thước lớn, mỗi chiều đến vài mét. Trên đầu bình phong đắp nổi hình đôi rồng chầu về mặt trời. Hình tượng tứ linh với 4 linh vật long-lân-quy-phụng được thể hiện hết sức sinh động bằng cách ghép mảnh sành sứ ngay trên phần thân của bình phong. Bốn linh vật này được bố trí theo các cặp phạm trù đối xứng: Long (Thái dương) - Quy (Thiếu âm), Phụng (Thái âm) - Lân (Thiếu dương), và cùng hướng vào biểu tượng Thái cực được thể hiện cách điệu hình dạng mặt trời có các cụm mây xoắn viền quanh.
Ngoài ra ở mỗi lăng tẩm khác cũng có một tấm bình phong phù hợp với kiến trúc của từng lăng đó. Tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế hiện nay vẫn còn giữ được một số bức bình phong tuyệt đẹp, thật sự là những kiệt phẩm của các nghệ nhân tiền bối mà mỗi khi chiêm lãm, con người ta có cảm giác như bị mê hoặc, hút hồn. Không biết do chúng quá đẹp hay bởi chúng hội tụ được những điều thần bí của phong thủy?.
Còn có một điều mà không mấy ai biết về chữ thọ lồng vào hình tròn nằm giữa bình phong. Đó vừa là điểm nhấn trang trí vừa là cái gương trong mà người khách có thể qua đó báo với chủ nhà về sự hiện diện của mình trước cổng, đồng thời khi người chủ nhà sửa soạn xong xuôi cho việc đón tiếp, sẽ ra đứng trước cửa, người khách nhìn qua ô tròn đó và biết được thời điểm mình nên đi vào, tránh sự bất ngờ, cập rập cho việc tiếp đón. Chi tiết tưởng như giản đơn của kiến trúc phong thuỷ nhưng lại là một sự tinh tế vô cùng bởi nó góp phần hoàn thiện và tạo nét khác biệt cho văn hoá phương Đông.
Ông Tôn Thất Phú, một người dòng dõi hoàng tộc đang coi sóc phủ An Thái nằm dọc sông An Cựu tâm sự: “ Trên mỗi bức bình phong, thông thường được trang trí Song Long Chầu Nguyệt là biểu tượng cho sự linh thiêng, quyền lực, chống kẻ tiểu nhân, tăng tiến phát đạt về công danh, thay đổi công việc theo hướng thịnh vượng, quyền lực. Nó cũng là vật khí mang lại may mắn về học hành thi cử và tài lộc. Rồng là con vật huyền thoại biểu tượng cho sự linh thiêng, cao quý. Mặt khác Rồng vàng là biểu tượng của vua, hoàng đế thời xưa. Loài vật linh thiêng này có tác dụng đem lại hạnh phúc và may mắn. Việc làm nổi những họa tiết của bức bình phong cực kì khó, thể hiện tay nghề của người làm ra nó. Hiện nay để làm một bức bình phong đẹp phải là người có tâm, không phải … chạy show thì mới hy vọng làm được một phần như ngày xưa”.Ngoài tấm bình phong bằng gạch đá, những gia đình quyền quí của Huế xưa vẫn còn lưu giữ những tấm bình phong được đan bằng mây hoặc làm bằng gỗ lim, gỗ mun…Những tấm bình phong này thường gặp trong ngôi nhà truyền thống. Nó không chỉ là một bức vách di động linh hoạt mà còn mang ý nghĩa che chắn, ngăn chia tạm thời không gian giữa trong và ngoài, giữa chung với riêng, che chắn tầm nhìn và gió mạnh. Bức bình phong ngăn hờ phòng khách theo phong cách cổ điển, có tác dụng che mà không chắn, ngăn hai khu vực chức năng khác nhau, nếu cần thiết vẫn có thể phóng tầm mắt quan sát khắp mọi nơi. Và quan trọng là gia chủ có thể dễ dàng thay đổi nội thất, dẹp bỏ khi cần một không gian rộng mở cho những tiệc tùng, họp mặt gia đình,…. Có 2 loại bình phong nội thất: loại bình phong một tấm và loại bình phong nhiều tấm. Loại một tấm phổ biến nhất có hình dáng kiểu cuốn thư, được làm chắc chắn, có chân cố định, khi di chuyển phải di chuyển nguyên tấm. Còn loại nhiều tấm thường do 6,8 hay 10 tấm gỗ hình chữ nhật ghép lại với nhau bằng bản lề. Loại này có chân hoặc không có chân, khi di chuyển có thể di chuyển cục bộ từng phần hoặc có thể tháo rời. Để trở nên sinh động hơn, ngày nay, các nhà thiết kế chuyên nghiệp và nhiều gia chủ đã “sáng chế” ra nhiều bức bình phong đa dạng về màu sắc cũng như chất liệu. đúng với mong muốn, không chỉ để tạo lập ra những không gian tương đối riêng biệt trong tổng thể chung một cách nhẹ nhàng, dễ chịu mà chúng còn là những vật trang trí làm đẹp cho nội thất.Cho đến nay, có thể nói rằng hệ thống bình phong cổ ở Huế vẫn còn mang trên mình nhiều bí ẩn của phong thủy, bên cạnh đó nó còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của một nét mỹ thuật và tài kiến trúc của người xưa.