Trên thực tế, quan niệm "Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài; Gái Đinh, Nhâm, Quý qua hai lần đò" đã gây ra không ít phiền phức, hệ lụy cho nhiều người. Từ chuyện kết hôn phải dẫn dâu hai lần đến chuyện các cặp vợ chồng chọn năm sinh cho con, những mong sinh được con trai trong năm "lợn vàng" (Đinh Hợi), "rắn vàng" (Quý Tỵ)... để con có được cuộc sống an nhàn, sung sướng sau này. Thế nhưng, theo các chuyên gia, nếu không cẩn thận sẽ "xôi hỏng bỏng không".
Phụ nữ thường lận đận tình duyên (?)
ThS Vũ Đức Huynh, tác giả của gần chục cuốn sách về tử vi, tướng mạo cho rằng, từ thời xa xưa, các nhà tử vi, tướng số đã tổng hợp trên cơ sở 60 năm (lục thập hoa giáp) và đã đưa ra tổng kết chung về tính cách, năng lực, tình cảm, trí tuệ ở từng tuổi.
"Theo kết quả thống kê này thì những phụ nữ có can Đinh, Nhâm, Quý thường không mấy suôn sẻ chuyện tình duyên. Chẳng hạn, nữ tuổi Đinh Sửu thường trăng hoa, Đinh Mão thì nhiều đời chồng, Nhâm Dần xung khắc hoặc cách trở tình duyên, Nhâm Tuất khắc phu, Quý Tỵ nhiều đời chồng... Trong khi nam giới ở những tuổi đó thường là tốt đẹp. Nam tuổi Đinh Sửu sẽ sáng suốt, Đinh Mão mưu trí, Nhâm Dần có chức quyền, Nhâm Tuất vinh hiển, Qúy Tỵ thông minh, dễ thăng quan...", ông Huynh cho hay.
Mặc dù thừa nhận đó chỉ là sự tổng kết theo kinh nghiệm song ông khẳng định "ít nhiều cũng có cơ sở".
Như vậy, theo kết quả mà ông Huynh đưa ra thì rõ ràng, nam giới có tuổi thuộc ba can Đinh, Nhâm, Quý về cơ bản tốt hơn nữ giới khi cùng mang can đó. Vì sao lại vậy và lý giải như thế nào?
Đinh, Nhâm, Quý là ba can quan trọng
Theo ông Vũ Quốc Trung, người có nhiều năm nghiên cứu về tử vi, kinh dịch cho rằng, lý giải điều đó phải dựa trên thuyết Âm Dương, Ngũ hành.
Theo các thuyết này, hệ Can chi được chia ra như sau: Giáp - dương, Ất- âm, đều thuộc Mộc; Bính - dương, Đinh - âm, đều thuộc Hoả; Mậu - dương, Kỷ - âm, thuộc Thổ; Canh - dương, Tân - âm thuộc Kim; Nhâm - dương, Quý - âm thuộc Thủy.
Tương tự, 12 địa chi cũng chia ra làm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất - dương; Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi - âm. Trong đó, Tý, Hợi phương Bắc thuộc Thủy, Tỵ - Ngọ phương Nam thuộc Hỏa, Mão - Dần phương Đông thuộc Mộc, Dậu - Thân phương Tây thuộc Kim, còn hành Thổ ở chính giữa.
Theo quy luật thì một can phải có âm dương hài hòa. Nếu đồng khí (cùng dương hoặc cùng âm) thì đẩy nhau. Do đó, phải có dương có âm và theo quy luật tương sinh mới tốt.
Từ đó có thể giải thích như sau: Nói "Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài" là vì bản thân nam giới đã là dương rồi. Nếu mang can Đinh hoặc Quý là âm thì sẽ hài hòa âm dương. Ngược lại, vì nữ là âm, kết hợp với can Đinh hoặc Quý cũng là âm thì sẽ đồng khí, đẩy nhau, không tốt.
Còn với canh Nhâm thì Nhâm là dương, kết hợp với các chi Thân, Ngọ, Thìn, Dần, Tý, Tuất cũng là dương. Thế nhưng, Nhâm lại thuộc hành Thủy (âm) nên vẫn tốt đối với nam giới. Song với nữ lại không tốt vì người mang can đó có quá nhiều phần dương, do đó nữ giới thường có xu hướng "nam tính hóa", như vậy là "khác người", cuộc sống sẽ khó có thể suôn sẻ như các tuổi khác được, ông Trung lý giải.
Vậy tại sao chỉ nói đến ba can Đinh, Nhâm, Quý mà không nói đến các can còn lại (Giáp, Ất, Bính, Mậu, Kỷ, Canh, Tân)? Ông Trung cho rằng: Vị trí của 12 chi là vị trí cố định theo hai trục Tý (Thủy) - Ngọ (Hỏa) là trục tung và Mão (Mộc) - Dậu (Kim) là trục hoành. Tương tự các can cũng chia trục như thế: Bính và Đinh thuộc Thủy, Nhâm và Quý thuộc Hỏa sẽ là trục tung. Trong khi đó, Thổ ở trung tâm. Vậy nên, người ta sẽ chỉ tính trục quan trọng hơn là trục Thủy - Hỏa (Bắc - Nam) chứ không xét trục Mộc - Kim (Đông - Tây) (xem hình vẽ dưới). "Điều đó lý giải vì sao người ta sẽ chỉ xét ở ba can Đinh, Nhâm, Quý chứ không xét rộng sang các can khác", ông Trung khẳng định.
|
Cẩn thận để không chuốc phiền hà
Ông Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, dựa trên những kinh nghiệm đúc kết trong dân gian, người ta thấy rằng phụ nữ mang ba can Đinh, Nhâm, Quý đều là những người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, thông minh, nhanh nhẹn. Trong khi đó, theo quan niệm truyền thống "xuất giá tòng phu", người phụ nữ khi lập gia đình thì phải nhất nhất theo chồng. Vậy nên, suy luận logic thì những phụ nữ có cá tính mạnh mẽ sẽ có tính tự lập cao, khó có thể răm rắp theo chồng được. Thế nên, chuyện họ trắc trở về đường tình duyên cũng là điều dễ hiểu.
Còn ông Vũ Quốc Trung bổ sung thêm: "Sở dĩ người ta nói gái Đinh, Nhâm, Quý qua "hai lần đò" vì ngày xưa quan niệm phụ nữ quan trọng nhất là chồng con. Còn đàn ông thì sự nghiệp là quan trọng hơn cả. Vậy nên, người xưa lấy chuyện "hai lần đò" ra để chỉ sự xui xẻo của phụ nữ.
Ông Vũ Quốc Trung cũng nhấn mạnh: Câu ca trên chẳng qua là sự suy luận logic theo cổ học chứ thực tế không hẳn vậy. Nó không áp dụng cho tất cả những ai sinh ra ở ba can đó (nam thì tài, gái thì "hai lần đò") và chỉ mang tính ước lệ mà thôi.
Nói về chuyện phải rước dâu hai lần với những người phụ nữ "cao số", mang can Đinh, Nhâm, Quý khi kết hôn, ông Vũ Đức Huynh xua tay: Đó chỉ là quan niệm dân gian, người ta làm thế để yên lòng thôi chứ không có căn cứ nào nói rằng nó sẽ hóa giải "cao số" cả. "Người dân không nên quá lệ thuộc vào quan niệm này để chuốc phiền hà cho chính mình, con cháu mình. Nếu cô dâu, chú rể ở gần nhà nhau thì rước dâu hai lần còn có thể hợp lý chứ cách nhau tới ba, bốn trăm cây số làm sao mà thực hiện được? Chỉ tổ tốn kém, mệt mỏi cho cả hai bên thôi", ông nói.
"Con người có hai bản thể tự nhiên (do cha mẹ, trời đất sinh ra hay còn gọi là tiên thiên) và bản thể tự nhiễm (sống trong hoàn cảnh, môi trường nào thì sẽ bị chi phối, tác động bởi chính hoàn cảnh, môi trường ấy, còn gọi là hậu thiên). Trong cổ học thì tiên thiên và hậu thiên có mối quan hệ qua lại với nhau. Tiên thiên tốt là tiền đề cho hậu thiên phát triển. Nhưng dù có sinh ra vào ngày giờ đẹp, mang can đẹp (trai Đinh, Nhâm, Quý) mà không có sự giáo dục, quan tâm chu đáo của gia đình thì cũng sẽ khó mà thành đạt".
Ông Vũ Quốc Trung