Bắt đầu từ cái nhà người Việt. Cái nhà trong xã hội truyền thống của người Việt là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi con người cư ngụ từ lúc sơ sinh, khi trưởng thành đến lúc nằm trong mộ. Có những cái nhà chứng kiến 3, 4 đời cùng tụ họp. Và không có nước nào, có cách xưng hô như người Việt Nam, khi nói nhà tôi, có nghĩa là vợ hoặc chồng.
Những điều thú vị tiếp tục được mở ra, thỏa đáp thắc mắc của những ai còn chưa biết về bàn thờ gia tiên, mâm ngũ quả ngày Tết, các ngày lễ trong năm. Tục cưới hỏi của các dân tộc, tục ma chay ở Việt Nam và những tín ngưỡng trong gia đình. Bạn đọc sẽ hiểu, trong đám cưới, nhất thiết phải có cơi trầu, vì nó biểu trưng cho sự gắn bó keo sơn, nồng đượm. Hay trong đám ma, có tục “Cha đưa, mẹ đón” là vì ngụ ý cha nghiêm, con chỉ biết lẽo đẽo theo khóc, không dám lên phía trước đón ngăn đường vĩnh biệt như đối với mẹ hiền.
Trong tập 2, Xã hội - làng nước, bạn đọc sẽ được tìm hiểu về phong tục hương đảng - tức là làng xã thời xưa, với chuyện hương ước, hương ẩm, nghĩa sương, những danh vị như hương chức, các kỳ mục hội tề, rồi các hội tư văn, các bát họ. Đặc biệt trong phần này cũng sẽ nói rõ sự học của người Việt nhiều thế kỷ qua. Hay những làng quê có: Một đống ông Nghè, một bè tiến sỹ, một bị trạng nguyên, một thuyền bảng nhãn”.
Những phong tục Việt Nam được tác giả kể ra trong 2 tập sách này đã góp thêm một tri thức tổng hợp về quê hương, đất nước. Có thể có những điều xa lạ với sự hiểu biết thông thường của lớp người hiện đại, song rất cần cho kiến thức chung, để hiểu được bản sắc dân tộc, bản sắc quê hương.