Xưa nay, người phương Đông quan niệm "Thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần". Nhà phong thủy với chiếc la bàn có thể thỏa mãn nhu cầu của người dân đối với những việc hệ trọng, đó là ngôi nhà để họ "an cư lạc nghiệp" và ngôi mộ để gìn giữ xương cốt ông bà tổ tiên được "kín trên bền dưới", "con cháu đời đời phồn vinh".
Người phương Tây thì sao? Lẽ nào chúng ta quên hai ông Chr.Colombo và Magellan đã sử dụng hải bàn (tức la bàn định hướng trên đại dương) để tiến hành thám hiểm, tìm ra Châu Mỹ và các quần đảo ở Thái Bình Dương. Sau đó, họ đã lợi dụng tính ưu việt của la bàn, cải tiến, chế tạo ra hàng loạt máy đo tinh vi. Với đầu óc nhạy bén, người phương Tây đã sớm chiếm lĩnh phong thủy, và với họ phong thủy đã thực sự trở thành một môn khoa học - nghệ thuật được sử dụng hữu hiệu cho đời sống con người và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cuối thế kỷ XX, năm 1998, nhà Trung Quốc học người Anh R.Skiner bỏ ra mấy chục năm nghiên cứu phong thủy, đã cho xuất bản tại London tạp chí "Phong thủy với cuộc sống hiện đại". Chỉ không đầy 2 tháng, số ra đầu tiên đã bán hết sạch. Ông phải in thêm 150.000 cuốn nữa mới tạm thỏa lòng khát khao của bạn đọc. Bất kỳ ai trong xã hội hậu công nghiệp, phải chịu nhiều tác động của đời sống quay cuồng đến chóng mặt, đều có mong muốn "Phúc - Lộc - Thọ" và tránh những rủi ro bởi hướng nhà + thế đất + vị trí sắp xếp đồ đạc trong nội thất gây nên những luồng khí ảnh hưởng xấu đến gia đình. Tạp chí đưa ra những khuyến cáo thật đơn giản và dễ hiểu với cả những người Châu Âu không có điều kiện tìm hiểu về văn hóa phương Đông. Xin nêu một thí dụ: Một gia đình (nào đó) dọn đến nhà mới. Chủ nhân muốn có nhiều "tài lộc" thì sẽ có ngay câu trả lời nêu trong tạp chí: Hãy đặt ở phần Đông Nam của ngôi nhà, là vị trí thuộc "khu vực của cải" những đồ dùng bằng gỗ + 1 bể nuôi cá + 1 chậu dây leo lá tròn; đặt ở phía Đông Nam của bàn làm việc một vài đồng tiền Trung Hoa cổ, có buộc những sợi chỉ đỏ, làm như vậy sẽ giúp chủ nhân ngôi nhà "tiết kiệm" và "may mắn trong lĩnh vực tài chính". Nếu bạn không muốn tiền của thất thoát thì đơn giản lắm: Hãy sửa lại tất cả các vòi nước cũ bị rò rỉ, và nhớ luôn đóng nắp các bệ xí bệt khi không sử dụng!
Khá nhiều chính khách, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, nhà tỷ phú của Anh thường xuyên tham khảo ý kiến của R.Skiner. Ông đã khuyên nhà chính trị kiêm nhà văn J.Arther, được coi là nhân vật có lá số chiêm tinh "cực kỳ hên", rằng ngài là người rất thích hợp với hướng Tây. Vì thế, nhà văn này đã cho mở cửa ra vào và đặt bàn làm việc theo hướng Tây. Chính điều đó đã đảm bảo cho gia đình nhà văn sự phồn vinh và hạnh phúc. Cũng theo lời "cố vấn" của R.Skiner mà ngay cả khi ăn uống, J.Arther luôn chọn vị trí đối diện với hướng Tây và cho thay bộ đèn chùm kim loại bằng chiếc đèn nhỏ hơn, để cho dòng khí năng lượng trong phòng không bị ảnh hưởng xấu. Cả đến chiếc gương ở phòng ẩm thực cũng được nâng lên, treo cao hơn để soi rõ hình ảnh của các món ăn, thức uống được bày biện trên bàn hiện lên một cách sinh động và ngon lành!
Càng ngày phong thủy càng được coi trọng ở phương Tây. Các nhà tạo mẫu, tạo mốt, các kiến trúc sư, các nhà thiết kế nội thất thường lấy ý kiến của các nhà phong thủy. ở Mỹ, các viện thiết kế mẫu thời trang hay viện kiến trúc đều có một phòng nghiên cứu phong thủy.
Giá cả cho mỗi lần xin ý kiến các nhà phong thủy Châu Âu khá đắt, khoảng 400 USD. Vậy mà họ luôn luôn đông khách và ngày một giàu sang. Thực tế cho thấy ý kiến của giới Trung Quốc học đã ăn sâu vào con người Châu Âu đương đại, như một luồng dương khí để thở hàng ngày vậy. Chẳng hạn như, khi nhà Trung Quốc học R.Skiner nói: Hiện thời, khí năng lượng ở London đang lưu chuyển từ hướng Tây sang hướng Đông Bắc và tăng vọt - nghĩa là "khu vực của cải" sẽ tăng lên mạnh và dồn sang hướng Đông Bắc. Thế là ngay sau đó, nhiều nhà kinh doanh đã chuyển địa điểm đến khu vực Đông Bắc nước Anh.
Ngay đến vấn đề quốc gia đại sự cũng bị "con mắt xanh" của các nhà phong thủy soi vào. Có nhà phong thủy còn phán rằng tòa nhà Hạ viện Anh Quốc tốt nhất là nên quay mặt về hướng sông Thêm, chứ không nên quay lưng về hướng đó.