Là người phương Tây, tôi được nuôi dưỡng trong một nền văn hóa vốn không mấy quen thuộc với những kiến thức phong thủy mà sau này tôi học được ít nhiều trong cuộc sống thường ngày ở Việt Nam và châu Á.
|
Lần đầu tiên tôi được biết đến phong thủy và các dạng thức của nó là khi bắt đầu sống ở Nhật Bản, lúc còn là thanh niên. Trong nhiều năm tôi vẫn nghĩ rằng, phong thủy cơ bản là một hệ thống chỉ áp dụng trong kiến trúc và thiết kế nội thất, nhằm giúp nguồn năng lượng luân chuyển thông suốt.
Dần dà qua học hỏi kinh nghiệm, tôi nhận ra rằng, thậm chí phong thủy có thể liên hệ với việc phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu, nếu người lãnh đạo của thương hiệu tin tưởng vào điều đó, mặc dù lãnh đạo các doanh nghiệp thường e ngại khi bàn về những quyết định dựa trên niềm tin về phong thủy.
Thực ra, để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu hiệu quả, một điều hết sức quan trọng là cần phải hiểu và nắm bắt được những quy tắc mà đối tượng khách hàng mục tiêu và doanh nghiệp thực sự tin tưởng, đúng như câu nói nằm lòng của các chuyên gia marketing “cảm nhận chiếm 99% thực tế”.
Vì vậy theo tôi nghĩ, vấn đề không phải là nguyên tắc phong thủy có thực sự phát huy tác dụng trong thực tế hay không, mà chính là ở chỗ thương hiệu và các đối tượng khách hàng của thương hiệu tin tưởng vào điều đó tới mức nào. Vẫn cho rằng, mình là người hoàn toàn trung lập về vấn đề này, thế nhưng suốt 40 năm qua, tôi chưa bao giờ đặt giường quay đầu về hướng Bắc.
Ở châu Á, bất cứ ai làm công việc sáng tạo hình ảnh, dù là thiết kế một ngôi nhà hay thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu, thì tốt hơn nên tìm hiểu về những ảnh hưởng và các quy tắc cơ bản của phong thủy. Tuy nhiên, việc tuân thủ những quy tắc này cũng gây nên một số thách thức riêng đối với các nhà thiết kế bản sắc nhận diện thương hiệu tại Việt Nam hiện nay.
Khi sáng tạo diện mạo cốt lõi của thương hiệu, nhà thiết kế nên luôn cân nhắc các tiêu chí lý tưởng đối với thương hiệu, cũng như hình ảnh lý tưởng đối với đối tượng mục tiêu. Trong quá trình cân nhắc và triển khai tiếp sau đó, chúng ta có thể xây dựng một hình ảnh sao cho cân đối hài hòa cả hai vế trên.
Có thể sẽ rất khó để tạo được sự cân bằng như vậy, khi mà người lãnh đạo của thương hiệu tin vào các quy tắc phong thủy, trong khi nhiều người trong số các khách hàng mục tiêu của thương hiệu lại không mấy chú trọng xem yếu tố phong thủy được thể hiện như thế nào trên các tài liệu truyền thông marketing của thương hiệu, thậm chí có người còn chẳng hề quan tâm đến vấn đề này.
Thật ra, những nguyên tắc về phong thủy áp dụng trong cách thể hiện của các tài liệu truyền thông marketing cũng khá tương đồng với điều mà các nhà thiết kế và chuyên viên ngôn ngữ quảng cáo học hỏi được về chuyên môn của họ. Đó là làm sao tạo được sự hài hòa và cân đối. Chẳng hạn, thuyết phong thủy coi trọng sự đơn giản, rõ ràng, tương tự như các nguyên tắc thiết kế marketing hiện đại. Hay như quy tắc phong thủy và thiết kế đều cùng phân chia màu sắc theo hai nhóm màu nóng và lạnh.
Hơn nữa, khi nhà thiết kế và chuyên gia ngôn ngữ xây dựng nên hình ảnh cho một thương hiệu, họ làm điều đó nhằm mục đích tạo ra ảnh hưởng tích cực cho thành công của thương hiệu trong tương lai. Điều đó cũng không khác mấy so với mục đích của phong thủy, đó là nhằm tác động tích cực tới số mệnh của người áp dụng những quy tắc đó.
Tuy nhiên, để được cảm nhận như một thương hiệu nổi bật trên thị trường cạnh tranh, tính cách thương hiệu không chỉ đơn thuần thể hiện sự cân đối hài hòa, mà tùy vào từng trường hợp, tính cách thương hiệu thậm chí còn cần thể hiện được sự bứt phá riêng. Đây chính là lúc xuất hiện thách thức đối với yêu cầu kết hợp những nguyên tắc phong thủy với việc thực hiện tốt chiến lược thương hiệu. Như các chuyên gia phong thủy vẫn nói, vấn đề là ở chỗ làm sao để tạo được sự cân bằng.