Các nhà viết sách phong thủy vừa chỉ dẫn phải chọn nơi sầm uất, đông người, trung tâm buôn bán để mở hàng mới có lợi, thì nay lại khăng khăng nên chọn chỗ ở bến đò, bến sông? Thế thì, biết tin ở phần nào?
Trong bạt ngàn kiến thức phong thủy được in thành sách, tôn vinh thành cẩm nang, chắc chắn những cuốn sách viết về cách sử dụng phong thủy để kiếm ra nhiều tiền sẽ thu hút được sự quan tâm của cả những ai đang kinh doanh mà chưa kịp để ý đến phong thủy, cũng như những người chưa từng kinh doanh bao giờ đang rất muốn nhờ phong thủy để thử vận may của mình. Vì vậy, những tên sách như: Phong thủy nhà hàng, quán bar, phòng trà. Phong thủy các khu vui chơi giải trí. Cách chọn mua đất, mua nhà theo phong thủy. Phong thủy văn phòng làm việc và công sở… thu hút được rất nhiều độc giả. Chắc để đáp ứng nhu cầu (nói chính xác hơn là khát vọng làm giàu) của nhiều người, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin cũng cho ra mắt cuốn Phong thủy cửa hàng kinh doanh, như sách tự quảng cáo nhằm “chỉ 5 chiêu cát tránh phong thủy xấu” và “tuyệt kỹ đầu tư kinh doanh kiếm tiền” cho những ai muốn kinh doanh. Để tìm biết xem những kiến thức phong thủy này có thể giúp độc giả trở thành doanh nhân thành đạt không, chúng ta cùng điểm qua những tri thức mà các tác giả giới thiệu trong cuốn sách.
|
1. Thuật phong thủy trong lựa chọn cửa hàng (trang 12-15): Tác giả cũng lại cho rằng, hướng cửa hàng đẹp nhất là Bắc-Nam (điều này quá sáo mòn, không đáng bàn thêm vì những bài khảo nghiệm trước đã đề cập đến nhiều rồi). Tuy nhiên, các tác giả lại có một kết luận rất lạ đời rằng, khi tiến hành làm ấm hoặc làm mát cửa hàng để tiến hành các hoạt động mua sắm thì: “Trong phong thủy gọi là âm dương tương khắc hoặc ngũ hành tương sinh”? Không cần phân tích sâu về khái niệm triết học ăn theo - nói leo này, không cần hiểu gì về phong thủy thì khi gặp nóng-lạnh, những người chủ cửa hàng cũng sẽ biết cách giải quyết thực tế như vậy, trừ phi họ là những đứa trẻ lên ba!
2. Ảnh hưởng của phương hướng cửa hàng đến phong thủy (trang 54): “Những hướng hợp với cửa hàng, công ty:
- Văn phòng luật, trung tâm chữa bệnh: Hướng Bắc hoặc Đông.
- Công ty hàng không, công ty tài chính, bảo hiểm: Tây Bắc hoặc Đông Nam.
- Ngân hàng, công ty xây dựng, kiến trúc, xuất nhập khẩu: Hướng Bắc hoặc Đông.
- Đại lý bán buôn, cửa hàng ăn uống: Hướng Bắc hoặc Đông Nam”. Ngoài ra các tác giả cũng đưa ra bảng kê các tuổi theo 12 con giáp với những hướng kị, hướng tốt (trang 58), ví dụ: “ Người tuổi Tý kị hướng Bắc, nên chọn hướng Tây, Nam, Đông; tuổi Mùi kị hướng Đông, nên chọn hướng Nam, Bắc, Tây; tuổi Dậu kị hướng Tây, nên chọn hướng Nam, Bắc, Đông…”. Thế nhưng, chính kiến thức phong thủy của tác giả lại làm khó cho người đọc, bởi ví như một người tuổi Tý muốn mở văn phòng luật hướng Bắc (là hướng bị kị) mà không có điều kiện tìm được hướng khác có nghĩa là phải dừng ý định cho đến lúc tìm được hướng tốt? Hay như người tuổi Mùi muốn mở công ty kiến trúc cửa hướng Đông (là hướng bị kị) vì không thể tìm được hướng nào khác sẽ không dám thực hiện ý định của mình nữa? Cứ như vậy nhiều người sẽ không biết tin vào kiến thức nào?
3. Phương hướng khác nhau với những nghề kinh doanh khác nhau: Các tác giả nêu lên hướng tốt tiêu chuẩn cho những mặt hàng kinh doanh cụ thể (trang 61-62), ví dụ: “Quầy hàng kinh doanh thực phẩm, đại lý bán cá, đồ hải sản nên mở cửa hàng hướng Đông, Nam, Đông Nam; những cửa hàng chế biến thực phẩm mở hướng Nam, Đông Nam có nhiều lợi nhuận; quầy hoa qủa tươi bày phía Bắc, Nam sẽ kinh doanh tốt; tiệm bánh ngọt nên thiết kế cửa vào hướng Nam, Đông, Đông Nam; đồ gia dụng, sản xuất gỗ nên ở hướng Nam hoặc Tây Nam sẽ có lợi…”. Vấn đề đặt ra cũng như đã nói ở phần trên, chẳng nhẽ nếu không chọn được đúng hướng thì mọi người sẽ không dám kinh doanh hoặc vừa kinh doanh vừa lo bị lỗ? Chưa kể một số cửa hàng tạp phẩm bán cả trăm loại hàng hóa khác nhau từ bim bim đến sim điện thoại thì quay về đâu? Với những nhà kinh doanh cơm hộp văn phòng, giao đến tận tay người đặt hàng thì cửa nhà họ quay về hướng nào quan trọng gì? Thực tế tại những phố buôn bán cùng một mặt hàng ở Hà Nội như đồ kim khí, quần áo, sơn vôi, vật liệu xây dựng đồng loạt mở cửa hàng cùng một hướng số nhà lẻ và đối diện với những cửa hàng số chẵn vẫn kinh doanh tốt và cũng không thể chọn hướng nào khác ngoài hướng nhìn ra mặt đường, nếu không như thế thì mua bán, quảng cáo hàng cho ai?
4. Bố cục sao cho dễ kiếm được nhiều tiền cho cửa hàng: Bố cục tam lưu-ba dòng (trang 143): Các tác giả đưa ra quan điểm: “Tam lưu ở đây để chỉ dòng nước, dòng xe, dòng người. Dòng nước là do dòng khí lưu chuyển, dòng xe, dòng người cũng thuộc dòng khí lưu động, vì thế cửa hàng tốt nhất nên chọn ở chỗ bên ngoài dòng nước lưu động như bến đò, bến sông chẳng hạn. Phong thủy cửa hàng bắt buộc phải có dòng nước, dòng xe hoặc dòng người lưu động mới có thể phát tài vượng được. Nếu không có ba dòng lưu chuyển này, việc kinh doanh rất khó triển khai tốt được”. Các nhà phong thủy viết kiểu này khiến độc giả đau đầu, nhất là những ai muốn kinh doanh. Phần trước, vừa chỉ dẫn là phải chọn nơi sầm uất, đông người, trung tâm buôn bán để mở hàng mới có lợi thì phần này lại khăng khăng rằng nên chọn chỗ ở bến đò, bến sông? Vả lại, nếu muốn có khí lưu động thì khó gì đâu, chỉ cần đặt một cái quạt công nghiệp ở trước cửa hàng thì khí nổi ầm ầm ngay thôi!
- Phương pháp bố trí chiêu tài, còn gọi là tài vị (trang 144 – 146): Các tác giả cho rằng: “Cái gọi là tài vị trong phong thủy có những cách nói khác nhau. Có người cho rằng vị trí chiêu tài nằm ở góc cửa nhà, có người cho rằng vị trí chiêu tài nằm ở vị trí tam bạch trong nhà: Đó là ba vị trí Nhất bạch-Lục bạch và Bát bạch... Thông thường, vị trí chiêu tài từ góc trái phía trước đi vào, cho nên chỗ này rất cần phải có ít biến động, không thể làm đường đi được, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tài vận”. Thế nhưng, lại chẳng ai chỉ dẫn cho người kinh doanh biết phía nào của góc cửa nhà và tại cửa nào (ví như nhà nhiều hơn một cửa) là nơi tụ khí? Và những người bình thường sao hiểu được những vị trí Nhất bạch-Lục bạch và Bát bạch ra mô ra tê? Đấy là chưa bàn đến chuyện phóng tác ngữ nghĩa, vì vị trí chiêu tài khác với địa điểm chiêu tài. Nếu địa điểm chiêu tài (nơi đặt cửa hàng) thì còn hy vọng làm ăn phát đạt, còn vị trí chiêu tài (một chỗ nào đó trong cửa hàng) thì chỉ có mỗi chỗ đó mới có tài, còn cửa hàng khó mà tài vượng được!
- Vậy mà, vẫn dựa vào lý thuyết này, các tác giả cung cấp ba điều thích hợp đối với vị trí chiêu tài là (trang 147- 148): “Vị trí chiêu tài nên sáng, không nên tối mờ. Sáng sủa thì sinh khí mới tràn đầy. Nếu vị trí chiêu tài ở đây có ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng đèn chiếu sẽ có lợi cho việc sinh vượng; vị trí chiêu tài nên sinh. Cái gọi là sinh để chỉ sức sống dồi dào, cho nên khi sắp xếp vị trí chiêu tài nên có cây xanh, đặc biệt là những cây lá to nhưng cần lưu ý rằng, trồng những loại cây này nên dùng bằng đất sét, nếu dùng nước để chăm sóc sẽ không tốt; vị trí chiêu tài nên cát. Là những nơi tích tụ vượng khí, nếu những nơi đó có những linh vật đại diện cho cát tường như tượng Phúc-Lộc-Thọ hoặc tượng thần tài thì càng thêm cát tường”. Nếu đã coi ánh sáng thiên nhiên (mặt trời) cũng không khác gì ánh sáng nhân tạo (đèn điện) thì việc gì phải trồng cây thật rồi không dùng nước chăm sóc, kiểu gì cây cũng chết? Chi bằng cứ dùng cây giả để vừa tạo phong thủy đúng ý, vừa đỡ phải chăm sóc tốn công? Và nếu mấy cái tượng có ý nghĩa cát tường sẽ tăng thêm cát tường thì tại sao chủ cửa hàng không bày thêm nhiều tượng nữa để tiền, khách hàng tự ồ ạt vào?