Vợ chồng tôi cùng sinh năm 1980 thuộc mạng mộc, nghe bạn bè khuyên rằng nên ốp gỗ lên tường sẽ hợp hơn. Nhưng tôi vốn không thích gỗ vì ngại mối mọt, mà lại thích tấm thạch cao hay giấy dán tường có gam màu trắng (nghĩa là kim khắc mộc) thì phải làm sao để dung hoà?
Trả lời:
Những truyền tụng dân gian theo kiểu “ăn gì bổ nấy, mệnh gì ốp nấy” thực ra không đúng với nguyên lý phong thuỷ và trang trí nội thất.
Trong nhà ở, hành kim vốn không được chuộng bởi tính lạnh và cứng, cũng là do tâm lý ưa mộc của các gia chủ thích chất liệu gỗ. Mà kim vốn là hành khắc mộc, nên trong khi mộc được chuộng nhiều bên trong thì kim hay được chọn cho bên ngoài, mang tính bảo vệ, đối ngoại (hàng rào, cổng, cửa cuốn, bông sắt, bancông…) như một sự “phân công” hợp lý. Nếu gia chủ vì những lý do cá nhân không thích một chất liệu nào đó, nhưng cũng không muốn làm trái với những ý kiến chung về quan niệm phong thuỷ, thì có thể theo cách “ruột này vỏ kia ” để dung hoà. Tức là các mảng miếng trang trí, ốp hay dán lên tường nếu gia chủ không thích gỗ thì dùng giấy dán tường, vách thạch cao hay tấm nhựa (tuỳ theo cấu trúc) nhưng bề mặt ngoài mang tính chất gỗ, tạo vân gỗ, hay có hoa văn hoa lá liên quan đến hành bản mệnh (ví dụ hành mộc).
|
Đây cũng là cách mà nhiều vật liệu nhân tạo khác khi tiếp cận thị trường nhà ở (nhất là vùng châu Á) thường làm: bề mặt lớp phủ giống gỗ dù ruột là nhôm hay nhựa, đồng thời thể hiện quan niệm phối hợp các loại vật liệu một cách hài hoà trong làm nhà, không ưu ái quá mức một loại vật liệu nào (không thiên lệch trong ngũ hành) và phù hợp theo tâm lý người sử dụng phương Đông. Cho dù gia chủ ưa thích màu trắng thì không có nghĩa là hành kim lấn át và khắc hành mộc, mà đơn giản đó chỉ là màu làm nền cho không gian, còn vô số vật dụng, chi tiết, bề mặt sàn và trần, đèn trang trí, rèm cửa…có màu sắc và chất liệu khác để tạo nên một sự phối hợp toàn thể.
Với những ưu điểm như thi công nhanh, mẫu mã đa dạng và dễ dàng thay đổi hơn so với sơn nước hay ốp chất liệu khác nên giấy dán tường hiện đang khá được ưa chuộng. Về mặt phong thuỷ, chọn mẫu giấy dán tường không có kiêng kỵ gì, cũng tương tự như chọn màu sơn, mẫu gạch hay kiểu đèn, nghĩa là căn cứ vào hình trên hoạ tiết bề mặt, màu sắc, độ sáng tối,… để xếp mẫu giấy nào vào nhóm nào theo ngũ hành, cụ thể như sau:
Hành thổ: dải màu từ vàng đến nâu đất, hoạ tiết ngang và vuông vức, bề mặt giả đá, giả cát.
Hành kim: gam màu trắng, xám có ánh kim hoặc ánh nhũ, các hoạ tiết tròn và xoắn ốc.
Hành thuỷ: dải màu từ xanh dương đến tím và đen, hoạ tiết uốn lượn, giọt nước, gợn sóng.
Hành mộc: dải màu từ xanh ngọc đến xanh lá cây, hoặc tiết hoa lá, sọc đứng vươn cao, giả gỗ và mô phỏng thiên nhiên.Hành hoả: gam màu đỏ, cam và hồng, các hoạ tiết chéo góc, hình ngôi sao, tam giác.
Thực tế các mẫu giấy thường có sự kết hợp nhiều hành, hoặc một mẫu cùng loại hoạ tiết có nhiều gam màu để tuỳ chọn. Từ các nhóm hành cụ thể, sẽ căn cứ vào tính chất của phòng, bản mệnh của gia chủ và đồ đạc bài trí trong không gian cần dán giấy mà phối kết cho phù hợp.
Tuy vậy, cần tránh lạm dụng giấy dán tường nếu không hợp khí hậu và công năng sử dụng. Ví dụ một phòng ngủ ở hướng nắng gắt thì không nên dùng giấy dán tường có màu rực rỡ quá hoặc giấy thuộc nhóm hoả cho dù gia chủ có hợp với hành hoả. Trường hợp này phải dùng hành tương khắc là thuỷ hay kim (tức là các nhóm màu trắng xám, hoặc xanh biển, hoạ tiết tròn hoặc uốn lượn) để giảm hoả cho phòng.
Công nghệ mới cho phép các loại giấy dán tường nay có được tính năng kỹ thuật tốt và bề mặt hấp dẫn như giả đá, giả gỗ, in nổi hoạ tiết, hoa văn 3D… Vấn đề nằm ở người sử dụng cần nắm rõ để khai thác hiệu quả, sử dụng có chọn lọc.