Tại sao đất xây nhà không nên khuyết, thiếu một góc nào đó?

    Theo quan niệm trong phong thủy, một thân đất tốt phải vuông vức, không khuyết hãm. Tốt nhất là hình vuông hay hình chữ nhật.

     
    Ngôi nhà bị khuyết một góc nào đó đều không tiện lợi trong việc thiết kế, bố trí nội thất, sử dụng hàng ngày và thường gây tâm lý bức bối, khó chịu - (Ảnh minh họa).

    Theo quan niệm phong thủy, nếu miếng đất khuyết, hãm (thiếu một góc nào đó) sẽ có ảnh hưởng không tốt, tùy theo góc khuyết thuộc vào cung nào.

    Chẳng hạn, miếng đất khuyết góc Tây Nam, như vậy là thiếu mất phương Khôn. Theo bát quái Khôn là đất, thuộc về Mẹ; tương ứng với trên cơ thể là bụng, lá lách. Như vậy, ngôi nhà thiếu góc Tây Nam nghĩa là thiếu mẹ. Cũng có nghĩa người mẹ phải sống ở nơi khác hoặc có thể bị mất sớm hoặc mắc bệnh đau bụng.

    Tương tự như vậy, thiếu góc Tây Bắc là thuộc phương Kiền, thuộc về Trời ứng với người cha; vậy thân chủ ngôi nhà có thể mất sớm hoặc đi xa… Tuy nhiên đó là quan niệm của phong thủy. Xét thấy trong chiến tranh, hầu hết đàn ông đều ra trận, vậy chả nhẽ tất cả các ngôi nhà của họ đều thiếu góc Tây Bắc hay sao?

    Tuy vậy trên thực tế ngôi nhà bị khuyết một góc nào đó đều không tiện lợi trong việc thiết kế, bố trí nội thất, sử dụng hàng ngày và thường gây tâm lý bức bối, khó chịu.

    Kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu thêm một nội dung của các vị trí theo các cung trong ngôi nhà liên hệ các tình huống trong đời sống: sự nghiệp - kiến thức - gia đình - của cải - danh tiếng - hôn nhân - con cái - quý nhân phù trợ.

    Liên hệ với bát quái, quẻ Ly chủ về cung danh tiếng, quẻ Khôn chủ về cung hôn nhân, quẻ Đoài chủ về cung con cái, quẻ Kiền chủ về cung quý nhân phù trợ, quẻ Khảm chủ về cung sự nghiệp, quẻ Cấn chủ về cung kiến thức, quẻ Chấn chủ về cung gia đình, quẻ Tốn chủ về cung của cải.

    Tuy nhiên, khi ứng dụng bát quái vào các vị trí trong một ngôi nhà hay một căn phòng với nội dung vừa trình bày ở trên thì các quẻ không còn tương ứng với một hướng cố định của địa lý nữa (ví như quẻ Ly = hướng Nam, quẻ Khảm = hướng Bắc…) mà nó biến hóa theo sự vận động của luồng khí vào ngôi nhà hay căn phòng (lối đi - cửa).

    Theo quan niệm của tam môn bát quái, lối vào sẽ nằm vào 1 trong 3 vị trí: quẻ Khảm (sự nghiệp), quẻ Kiền (quý nhân phù trợ) và quẻ Cấn (kiến thức)…

    Nếu lối vào nằm ở giữa (trung tâm) nó sẽ thuộc quẻ Khảm - cung sự nghiệp; nếu nó mở về phía phải sẽ thuộc quẻ Kiền - cung quý nhân phù trợ còn nếu nó mở về phía trái sẽ thuộc quẻ Cấn - cung kiến thức. Lối vào được tính cho cửa chính của ngôi nhà hoặc căn phòng, bất kể lối cửa đó có được dùng thường xuyên hay không.

    Khi xác định được lối vào nằm ở cung nào, ta chồng bát quái lên sơ đồ căn phòng sẽ xác định các vị trí còn lại của căn phòng thuộc cung nào.