Phong tục việt nam: Cội nguồn của tập tục tín ngưỡng thờ cá voi

Họ đều cho rằng: Cá Voi không phải là một loài cá bình thường mà là một loài cá thần. Biểu hiện ở đây không phải là sức vóc to lớn và sức chịu đựng khác thường, mà là loài cá có suy nghĩ, có tình cảm và đặc biệt là sự cảm nhận và tâm linh như con người. Không phải ngày xưa mà cả ngay bây giờ nhiều người vẫn nghĩ thế. Do đó tập tục tín ngưỡng thờ cá voi rất tôn nghiêm.

Nhưng trong khoa học thì giải thích tín ngưỡng thờ cá voi này khá phù hợp với sự ra đời, nguồn gốc và những đặc trưng của loài cá này. Theo từ điển Bách khoa nông nghiệp thì “ Cá Voi Balaenus” là động vật có vú ở biển thuộc bộ Centacea, họ Balaenidae. Bề ngoài giống cá nhưng có máu nóng, thở bằng phổi, đẻ con, nuôi con bằng sữa, tổ tiên cá voi có lẽ là một loài động vật ăn thịt sống trên cạn, 60-70 triệu năm về trước chuyển xuống nước. Do môi trường có ma sát lớn nên cấu tạo cơ thể được biến đổi thích nghi: thân trần, hình thoi, thuôn về phía đuôi, kết thúc bằng vây đuôi hai cánh nằm ngang, chi trước biến thành vay ngực, chi sau, da bóng, các tuyến mỡ, tuyến mồ hôi và tai ngoài bị thoái hoá. Đa số cá loài có vay lưng khiến cơ thể căn bằng trong nước. Dưói da có lớp mỡ dày, cổ không thể hiện rõ, phổi rất dễ co giản, cột sống có từ 41 đến 98 đốt xương sường có 17 đôi nhưng chỉ có 11 đôi liền. Cá Voi có thể lặn dưới nước lâu đến 1,5 giờ, thích giác phát triển mạnh. Xác định tính chính xác âm hưởng truyền tới nhờ xoang khí ở xọ và việc tách hệ thần kinh hai tai. Vị giác và xúc giác (qua da) khá nhạy cảm, mắt bé và thị giác đống vai trò thứ yếu. Cá Voi là động vật có vú lớn nhất hiện nay, thân dài từ 2 – 30 m tuỳ theo loài, có con nặng đến 150 tấn. Các loài thuộc nhóm cá Voi răng chủ yếu ăn cá thân mềm, các loài cá Voi không răng chủ yếu ăn giáp xác trôi nổi.

Ở các vùng biển thường có những câu truyền đồn đại về loài cá Voi thần. Người ta cho rằng có những con cá do thần thánh hiện thân hoặc cứu giúp thuyền bè ngoài khơi phải huy sinh để bảo vệ tính mạng cho con người, hoặc do Ngọc Hoàng hay Long Vương sai phái mà nghé vào bờ. Ai nhìn thấy cá Ông bị lụy (chết) phải chịu tang chế, vạn chài nào được cá Thần ghé đến phải làm lễ tống táng. Cá Thần thuộc loại lớn thì gọi là cá Ông, còn nhỏ thì gọi cá Cô, cá Cậu. Có người quả quyết rằng trên lưng những con cá ấy có những dòng chữ. Khi sóng biển nổi lên dữ dội, nếu không nghĩ do Long Vương, Hà Bá tức giận thì một số ngư dân lại cho rằng đó là do cá Ông phẫn chí quẫy mình. Và vì thế người ta phải lạy lục, rước bóng, làm lễ.

Trong bài viết lễ Cầu ngư Bình Thuận của tác giả Tống Thành Luyến và Nguyễn Trần Duy vào tháng 6 năm 2002 có ghi lại : Một ngư dân tên là Nguyễn Hợp ở Bình Thuận (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) là người đã từng được “Ông” cứu sống kể lại rằng: Trong cơn bảo số 9 (ngày 12/9/1993) xuồng câu của ông bị chìm, ông đã cố gắng chống chọi với sóng gió, đến lúc sắp kiệt sức, nghĩ mình không thể thoát được nạn… thì bỗng dưng có một “ Ông” linh ứng đã đến cứu nạn, ông Hợp có cảm giác như đang nằm trên một tấm ván dày, cho đến lúc gặp một dòng nước đưa nhanh vào bờ như một dòng gió thổi mạnh hất tung ông lên bờ cát. Đây chỉ là một trường hợp trong vô vàn trường hợp khác từ xưa đến nay đã xảy ra ở Bình Thuận và các địa phương ở Miền Trung khác.

Không thể dễ dàng giải đáp nếu không biết ít nhiều về những đặc điểm của loài cá này. Chỉ khi nào nắm hết được đặc tính khoa học của cá Voi thì chúng ta có thể hiểu được bản chất của những sự việc, hiện tượng mà trong dân gian vẫn cho là linh thiên đó. Thực ra, cá Voi là động vật có vú và thở bằng phổi, những lúc phong ba bão tố, sóng to gió lớn, vì nhu cầu và bản năng sống của loài động vật nên ca Voi thường tìm đến những con thuyền để núp mình và dựa dẫm. Nhờ có thân hình to lớn nên thuyền và cá Ông cùng hợp lực, dựa dẫm vào nhau để vượt qua sóng gió. Vượt qua những mối hiểm nguy tưởng chừng như không thể nào thoát nạn được bởi những điều vô cùng thiêng liêng và kỳ diệu, con người cảm thấy mình mang nhiều tình sâu nghĩa nặng đối với “ Ông”, từ đó nảy sinh vấn đề tâm linh, sùng bái cá Ông và dẫn đến tín ngưỡng thờ cá voi. Đây cũng là một cách trả ơn mang đậm tính nhân văn của con người với cá Voi.

Trong dân gian đến nay vẫn còn lưu trữ những truyền thuyết liên quan cá Voi của người Chăm và người Việt ở vùng biển Trung bộ. Truyền thuyết của người Chăm kể rằng: Cá Voi là hóa thân của 1 vị thần tên là Cha-Aih-va, vì nôn nóng trở về xứ sở sau 1 thời gian luyện phép thuật mà Cha-Aih-va đã cãi lời thầy và tự ý biến thành cá Voi, ra sông lớn mà đi, sau đó bị thầy trừng phạt. Sau lời nguyền của thầy, Cha-Aih-va bị các loài thủy tộc ở biển đông hành hình, bị hóa thành thiên nga, sau cùng trở lại thành người. Cha-Aih-va đổi tên tự xưng là pô-ri-i-ák rồi biến thành cá Voi, rẽ sóng đến dâng thuyền và đưa người vào bờ.

Truyền thuyết của người Việt vùng biển trung bộ thì cho rằng: Cá Voi là thế thân của Thế Âm Bồ Tát. Xưa kia, Đức Phật Quan Âm trong 2 lần tuần du đại hải, do ngậm ngùi đau xót cho số phận của người trần bị chết chìm ngoài biển khơi, nên đã xé chiếc áo cà sa làm muôn ngàn mảnh đem thả trên mặt biển và biến phép thành cá Ông, Đức Phật lấy bộ xương Voi ban cho để cá có thân hình to lớn, lại ban cho phép thâu đường để lội thật mau hầu làm tròn trách nhiệm cứu vớt người lâm nạn. Kể từ đó, cá Voi được coi như là ân ngư của đám thuyền chài ngoài biển. Lúc đầu, vóc dáng cá Voi tương đối nhỏ, không đủ sức chống chọi với sóng to gió lớn bao phủ ghe thuyền. Trước tình trạng ấy, Đức Phật Quan Âm liền cấp tốc mượn bộ xương của Ông tượng trên rừng cho đàn cá. Nhờ được xương to, đàn cá có vóc dáng lớn và đủ sức chống chọi bão táp đại dương để cứu người lâm nạn. Từ đó loài cá này mang tên là cá Voi, vì mượn bộ xương voi mà to lớn như voi. Người ta còn cho rằng hài cốt của voi và cá Voi giống như một.

Nhờ có sức vóc to lớn, cá Voi mặc sức vẫy vùng ngoài biển cả, tuy nhiên, do to lớn nên chậm chạp. Nhiều lúc biết có thuyền chài gặp nạn, nhưng do ở quá xa, dù cá Voi có bơi đến nhưng cũng không kịp để cứu người. Để giúp cá Voi làm tròn trách nhiệm cứu người, Đức Phật Quan Âm đã ban cho cá Voi phép thu đường, giúp cho cá Voi ở bất cứ nơi nào, cần đến nơi đâu để cứu nạn đều kịp thời. Nhờ có phép thu đường mà cá Voi đã kịp ứng cứu các thuyền lâm nạn không kể ở hải điểm nào, xa bao nhiêu.

Những truyền thuyết về cá Ông đều hướng về mục đích thần thoại hóa, lịch sử hóa 1 đối tượng từ lâu được tôn sùng và ngưỡng mộ. Loài cá nơi biển cả đã được hóa thân thành vị thần thiêng liêng của biển đê trở thành tập tục tín ngưỡng. Cơ sở của việc thần thoại hóa và lịch sử hóa ấy là niềm tin của những người sống bằng nghề biển. Cốt lõi của huyền thoại ấy chính là đề cao việc cá Voi cứu giúp người gặp nạn ngoài biển khơi và giúp cho ngư dân được mùa biển. Theo kinh nghiệm của ngư dân, khi nhìn thấy 1 vùng biển hóa đỏ là Ông xuất hiện, đồng thời hàng đàn cá mòi, cá cơm,…nổi đỏ và dày đặc. Khi ấy các thuyền lớn đổ xô, hối hả đến vùng biển có cá Ông xuất hiện và đánh bắt được rất nhiều cá, có mẻ thu được hàng ngàn tấn. Khi đến nơi có Ông xuất hiện để thả lưới, ngư dân thường khấn vái hoặc “hú” cho Ông biết đi nơi khác để bà con làm ăn. Ví thế ngư dân Bình Thuận rất biết ơn Ông, coi như vị thần đem lại những điều tốt lành cho con người. Năm nào có Ông vào bờ thì năm đó sẽ được bội thu. Dù rằng có nhiều truyền thuyết khác nhau về cá Voi, nhưng trong tâm thức của ngư dân vùng biển đều coi cá Voi là thần. Bởi vậy người dân vùng biển không bao giờ ăn thịt cá Voi. Người gọi cá Voi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: ông Khơi, ông Lộng, ông Sứa…và tín ngưỡng thờ cá voi được duy trì từ đó đến nay.

Trong sự chuyển hóa từ 1 loại vật nơi biển cả thành 1 vị thần của ngư dân sống bằng nghề biển, có vai trò của vương triều nhà Nguyễn. Nhiều đời vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong tặng cho cá Voi là “Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần”. Cũng như ngư dân các tỉnh miền trung và Tây Nam Bộ, ngư dân tỉnh Bình Thuận có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng cùa cá Ông và coi đây là vị thần cứu trợ luôn ở bên cạnh họ trong những chuyến đi biển đầy nguy hiểm. Trong ngư dân Bình Thuận cũng lưu truyền rất nhiều sự tích ca ngợi sức mạnh và sự linh thiêng của Ông Nam Hải: Những sự tích đó được đúc kết dưới dạng những câu thơ, những bài hát và điệu hòa dân gian. Mặc dù, những sự tích đó mang nặng tính huyền thoại nhưng được ngư dân tuyệt đối tin tưởng. Bởi vì họ là những người bị sóng gió vùi dập, và chính trong sự nguy hiểm đó đã chứng kiến cá Voi cứu mình.

Trước đây phương tiện đánh bắt hải sản còn thô sơ, với chiếc thuyền con mộc mạc nhỏ bé, con người phải dùng chính sức mình để chóng chọi với những cơn bão ập đến. Và trong cơn hoạn nạn ngư dân tin tưởng vào và thường khấn vái: “Phục vận Nam Hải sinh thần linh thiêng hiển hách cứu nạn cho chúng dân tai qua nạn khỏi…”. Sau đó thần Nam Hải sẽ linh ứng xuất hiện, tựa thân mình vào thuyền vá dìu dắt vô bờ.

Về nguồn gốc thì tập tục tín ngưỡng thờ cá Voi là nguồn gốc của người Chăm mà nhưng lưu dân người Việt đã tiếp thu trong quá trình giao lưu văn hóa và trở thành tín ngưỡng dân gian quan trọng trong đời sống cua nhân dân vùng biển. Cũng chính vì xuất phát từ cội nguồn ấy mà tập tục tín ngưỡng thờ cá voi (cá Ông) và các nghi lễ liên quan hàng năm chỉ diễn ra từ mạn đèo ngang (Quảng Bình) trở vào các tỉnh ven biền phía nam, mà không có các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp diễn văn hóa, người Việt đã có những thay đổi biến cải cơ bản, từ nghi thức tổ chức đám tang lấy cốt cá Ông, đến việc thờ tụng tế lễ hàng năm. Ở đây có hiện tượng hòa đồng với một số tín ngưỡng khác của người Việt như tục thờ ông bà, tiền hiền, hậu hiền, hoặc kết hợp với 1 số nghi lễ nông nghiệp như lễ cầu mùa, cầu an…Đặc biệt là việc rước xách thì hoàn toàn theo lễ nghi của người Việt, từ trang phục đến cờ, lộng, kiệu, phướn và những động tác hành lễ. Do những hạn chế về kiến thức khoa học, do tâm lý tin vào sự phù trợ của thần, phật nên những người làm nghề biển gọi cá Voi bằng những tên gọi khác nhau như “Ông Nam Hải”, “Ông chuông”, “Ông lộng”, “Ông khơi”, “Ông sứa”,…và họ coi đó là vị thần hộ mệnh giữa biển khơi, và việc thờ cúng Ông là việc đền ơn đáp nghĩa theo luật nhân quả của nhà phật. Niềm tin ấy được phản ánh trong những bài hát bá trạo và các bài văn tế bằng chữ hán nôm, và cả trong một số bài sưu tầm được trong những vùng ven biển, ca ngợi ơn Ông đã cứu người cứu thuyền qua cơn sóng gió. Nội dung của các nghi lễ chứa đựng niềm khao khác mộc mạc, chân thành của những người làm biển trên sông nước, hàng ngày phải đối diện với thiên nhiên, biển cả đầy huyền bí và bắc trắc. Trong khoảng khắc của lễ hội thiêng liêng và tin cẩn này, ta thấy khoảng cách giữa thần linh và đời sống dân dã dường như không còn nữa.

Tín ngưỡng thờ cá voi với cội nguồn rất xa xưa, được phủ lên màu sắc phật giáo và cả đa giáo phú hợp với cấu trúc đa nguyên trong tín ngưỡng của người Việt, trong quá trình tồn tại và phát triển đã tiếp thu và tôn vinh một số đạo lý truyền thống thắm đượm tính nhân văn sâu sắc.

Một đặc trưng dễ nhận thấy ở Bình Thuận là, đối với các làng quê làm nghề trồng trọt và chăn nuôi đều có ngôi đình để thờ Thành Hoàng làng và các bậc tiền, hậu hiền có công quy tụ dân cư đến khai hoang, lập làng dựng đình ngày trước. Còn các làng chài làm nghề đánh bắt và chế biến hải sản ven biển thường xây các lăng, vạn hoặc dinh để thờ Ông Nam Hải và thực hiện các nghi lễ liên quan đến tập tục, tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Theo ngư dân, đây là vị thần cứu giúp họ mỗi khi gặp tai nạn trên biển. Đó là vị thần thủy chung đối với họ nên được ngư dân kính yêu và tôn trọng. Tín ngưỡng dân gian gắn với tín ngưỡng nghề nghiệp từ đời này sang đời khác theo phong tục và truyền thống của ngư dân. Ở Bình Thuận hàng năm tín ngưỡng thờ cá voi được tổ chức bằng lễ hội Nghinh Ông.

Qua khảo sát, nghiên cứu, chúng ta dể dàng nhận thấy rằng đình làng, dinh, lăng hoặc thờ Ông Nam Hải có thể có ở những làng chài ven biển, chứ không thể có ở những làng quê nông nghiệp hay những nghề khác. Ở Bình Thuận, từ các làng chài ven biển trong đất liền cho đến hải đảo hiện nay còn bảo lưu hang chục ngôi dinh, vạn, lăng, miếu thờ cá Voi. Hầu hết các lăng vạn được xây dựng vào thế kỉ XVIII – XIX gắn với quá trình tự cư và hình thành các làng chài ngày trước. Mỗi lăng vạn đều lưu trữ và thờ phụng từ vài ba chục bộ xương cốt cá Ông trở lên. Vạn Thủy Tú (Phan Thiết) được xây dựng vào năm Nhâm Ngọ(1762) và Vạn An Thạnh (Phú Quý) xây dựng vào năm Tân Sửu (1781) được coi là nhưỡng ngôi vạn được xây dựng sớm, có quy mô và bề thế nhất Bình Thuận.

Đặc biệt ở Vạn Thủy Tú có thờ Thủy tổ nghề biển, ở đây còn bảo lưu trên 100 bộ xương cốt cá Ông, trong đó có hàng chục bộ xương lớn có niên đại 200 năm. Từ năm 1992- 1995 bảo tàng Bình Thuận trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và lấy tư liệu tại địa phương đã được các cụ bà kể lại rằng: “ Sau khi xây xong Vạn Thủy Tú, có 1 con cá Voi rất lớn “lụy” và trôi dạt vào bờ biển phía trước vạn. Ngư dân trong làng và các làng khác của Phan Thiết đã hợp sức cùng nhau đưa cá Ông vào tạng trong khuôn viên của Vạn Thủy Tú. Vì xác Ông quá lớn: dài 20m, sống lưng cao 4m và nặng hàng chục tấn nên mất 2 ngày mới đưa được Ông vào khuôn viên Vạn, để đưa được Ông vào, người ta phải phá dỡ cổng Vạn. Bộ xương cốt này được bảo quản đặc biệt bằng kinh nghiệm và lòng tôn kính Ông của bao thế hệ ngư dân Vạn Thủy Tú mới lưu giữ gần như nguyên vẹn đến ngày hôm nay.

Năm 2003, bộ xương cốt Ông nói trên đã được UBND Thành Phố Phan Thiết đầu tư ngăn sách để phục chế, lắp ráp lại nguyên trạng và đưa ra trưng bày, giới thiệu phục vụ nhân dân địa phương và du khách đến tham quan, nghiên cứu. Đây là bộ xương cá Voi xám lớn nhất hiện nay để phục chế và đưa ra trưng bày ở Việt nam và Đông Nam Á.

Ở Vạn An Thạnh (Phú quý) cũng còn bảo lưu hơn 70 bộ cốt Ông. Trong đó có bộ cốt sớm nhất và tương đối lớn là của con cá Voi bị nạn trôi dạt trên đảo vào năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) đến nay vẫn còn bảo quản rất tốt. Ngư dân trên đảo gọi Ông này là Vị Cố, vì được an táng và phụng thờ đầu tiên trong Vạn An Thạnh. UBND tỉnh đã có chủ trương và đồng ý cho UBND huyện Phú Quý tiến hành phục chế, lắp ráp bộ xương Vị Cố và xây dựng nhà trưng bày bộ xương tại Vạn An Thạnh để phục nhân dân và du khách đến tham quan đảo Phú quý trong thời gian tới.

Sưu tầm

phongthuy365.com sử dụng  phần mềm phát triển web trực tuyến của Hệ thống CIINS.
Bạn có thể thuê lại, mua từng phần hoặc mua trọn gói phongthuy365.com
Nhà đầu tư có nhu cầu xin liên hệ: nvsanguss@gmail.com//  0982069958 / ( Mr. sáng ) để thảo luận chi tiết.