Trong dân gian vẫn truyền tụng câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" hay "Mùng năm, mười bốn, hai ba, Đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn" để chỉ những ngày xấu, không may mắn. Vậy điều này có đúng không? Lý giải như thế nào?
Đã tồn tại 3.000 năm
Tôi đem câu chuyện chọn ngày của anh Hùng tới gặp lương y Vũ Quốc Trung - người đã dày công nghiên cứu và từng xuất bản sách về chủ đề này. Ông cho rằng, đó là tâm lý dễ hiểu và không phải là hiếm trong xã hội. "Trong cổ học phương Đông, người ta thường chọn ngày tốt để bắt đầu một công việc gọi là khởi sự, bởi họ tin rằng "đầu có xuôi thì đuôi mới lọt", chọn ngày tốt sẽ tạo cho họ niềm tin là công việc được thuận lợi.
Sở dĩ có câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" là vì theo quan niệm dân gian, đó là ngày "Tam Nương sát".
Điều này xuất phát từ thời xa xưa, khi người ta gặp những chuyện không hay như làm nhà bị sập, gây chết người hoặc làm công việc hệ trọng như cưới hỏi, đi xa nhưng không thành. Lâu dần người ta đúc kết được rằng, vào những ngày cụ thể nào đó sẽ không tốt để làm việc lớn. Từ đó có quan niệm về ngày tốt, ngày xấu. Cứ thế, quan niệm đó truyền từ đời này qua đời khác và cho đến tận hôm nay", ông Trung lý giải.
Cũng theo ông Trung, việc chọn ngày giờ tốt đã có từ 3.000 năm nay. Điều này được ghi trong sách Thông thư của Trung Quốc. "Nói thế để thấy rằng, việc chọn ngày tốt - xấu không đơn thuần là một trò mê tín mà còn dựa trên những cơ sở thực tế", ông Trung nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Thanh Hùng làm nghề buôn bán vật liệu xây dựng ở phường Bách Khoa, Hà Nội. Do đặc thù công việc thường phải đi công tác để bắt mối làm ăn song anh luôn cố gắng tránh những ngày mùng 3, 5, 7, 14, 23 âm lịch, chỉ trừ trường hợp gấp gáp quá, không thể hoãn lại thì anh mới "phá lệ". Bởi theo anh "không phải ngẫu nhiên các cụ lại có câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" hay "Mùng năm, mười bốn, hai ba, Đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn". Lúc đầu mình cũng không tin lắm, nhưng qua mấy lần giao dịch, đi công tác vào những ngày đó thấy không được như ý nên phải tránh. Thôi thì "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", anh phân trần.
Tại sao lại tránh ngày 3, 5, 7, 14, 23 âm lịch?
Theo ông Trần Ngọc Kiệm, chuyên gia phong thủy, sở dĩ có câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" là vì theo quan niệm dân gian, đó là ngày "Tam Nương sát". "Thượng tuần sơ Tam dữ sơ Thất (đầu tháng ngày 3, ngày 7), trung tuần Thập tam Thập bát dương (giữa tháng ngày 13, 18), hạ tuần Chấp nhị dữ Chấp thất (cuối tháng ngày 22, 27", đó là những ngày được cho là xuất hành hoặc khởi sự đều vất vả, không được việc.
Ngoài ra, người Việt Nam cũng có quan niệm cho rằng, vào những ngày đó, Ngọc Hoàng sai 3 cô gái xinh đẹp (Tam nương) xuống hạ giới để làm mê muội và thử lòng con người. Nếu ai gặp phải sẽ bị các cô làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc... Đồng thời, đó cũng là một lời nhắc nhở con cháu nên làm chủ trong mọi hoàn cảnh, chịu khó học tập, cần cù làm việc.
Còn các ngày 5, 14, 23 lại được cho là ngày Nguyệt kỵ. Các ngày này cộng lại đều bằng 5, dân gian thường gọi là ngày "nửa đời, nửa đoạn" nên làm gì cũng chỉ giữa chừng, khó đạt được mục tiêu.
Ông Kiệm cũng cho biết thêm, phi tinh trong cửu cung bát quái gồm có nhất bạch, nhị hắc, tam bích, tứ lục, ngũ hoàng, lục bạch, thất xích, bát bạch, cửu tử. Trong số cửu tinh này thì sao ngũ hoàng (thuộc trung cung) được cho là xấu nhất, vận sao ngũ hoàng bay tới đâu mang họa tới đó. Cứ theo phi tinh 9 cung lại quay trở về ngũ hoàng.
Đặc biệt nhất là ngày 5 tháng 5 (trùng lặp Ngũ hoàng thổ), người ta thường nói "nen nét như rắn mùng 5". Vào ngày này rắn không ra khỏi mà bởi vì thời gian đó phương lực ly tâm từ Trái Đất kết hợp với lực hấp dẫn từ Mặt Trăng, hướng tâm từ Mặt Trời và vũ trụ không bình thường gây cho rắn run sợ, ù tai, hoa mắt không dám ra ngoài. Tương truyền ai chặt được đầu rắn mùng 5 ra đường sẽ gặp nhiều may mắn.
Còn ông Vũ Quốc Trung lại lý giải ở một góc độ khác. Ông Trung cho rằng, số 3, 7 trong câu "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba" chỉ là một sự ước lệ, ám chỉ những ngày lẻ. Bởi quan niệm truyền thống cho rằng, con số lẻ là những con số đơn độc, còn số chẵn mới là số có đôi có cặp. Do đó, làm việc gì cũng nên tránh sự đơn độc thì khả năng thành công sẽ cao hơn. Còn số 5, 14, 23 là số chỉ dành cho vua chúa. "Có thể xuất phát từ việc không muốn dân thường dùng chung ngày với mình nên các bậc vua chúa mới đặt ra câu nói ấy".
Cho-di-ngay-7
Quan niệm truyền thống cho rằng, con số lẻ là những con số đơn độc, còn số chẵn mới là số có đôi có cặp. Do đó, làm việc gì cũng nên tránh sự đơn độc thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Không nên quá câu nệ
Mặc dù lý giải những ngày Tam nương, Nguyệt kỵ là xấu song theo ông Trần Ngọc Kiệm, trong khoa Chiêm tinh học thì những ngày này không được cho là quan trọng so với các sao chính tinh và ngày kiêng kỵ khác gồm: Sát chủ, Thụ tử, Trùng tang, Trùng phục, Không sàng, Không phòng, Thiên tai địa hoạ, Trời nghiêng đất lở, Hoang ốc, Thiên hình hắc đạo... "Tuy nhiên, dân gian vẫn quan niệm "có thờ có thiêng", do đó nhiều người vẫn kiêng kỵ đi xa, làm việc lớn vào những ngày đó. Đó là đức tin của họ", ông nói.
Ông Vũ Quốc Trung cũng nhấn mạnh: "Cho đến nay vẫn chưa có ai kiểm chứng đây là những ngày xui xẻo, đó chỉ đơn thuần xuất phát từ quan niệm của dân gian, cứ người này truyền cho người khác mới tạo thành như thế. Việc kiêng kỵ này cũng là một liệu pháp để mọi người có động lực, niềm tin, yên tâm vào công việc đang làm, sẽ làm. Tuy nhiên, không nên lệ thuộc quá nhiều sẽ gây hỏng việc, đồng thời sa đà vào những trò mê tín dị đoan".